Tiết lộ của chồng hôm đó khiến tôi chưa hết bàng hoàng đến tận bây giờ...
C không phải là đứa giỏi ăn nói, tính cách cũng khép kín từ nhỏ nên gần như có chuyện gì rất ít khi C chia sẻ với ai. Ngày bé mẹ C đi chợ bán rau chở theo 2 đứa con kẹp nhau sau xe đạp, C rất hay bị nan hoa kẹp vào chân do em trai cứ ngọ nguậy không chịu ngồi im. Gót chân xước chảy máu hết cả, nhưng C chưa bao giờ khóc nhè, mách mẹ hay ăn vạ.
Mãi sau này mẹ mới biết gót chân C chai sần chằng chịt sẹo là vì đâu. C thích ăn đùi gà lắm, nhưng hồi bé nhà nghèo, cả năm có mỗi dịp Tết được nhìn thấy con gà luộc trên mâm, C luôn nuốt nước miếng nhường thằng em trai cả 2 cái đùi. Bố mẹ C thì mặc định chị lớn phải nhường em, nên chẳng bao giờ biết C thích ăn gì, C ước có gì trong đêm Trung thu...
Năm C lên 10 thì bố mẹ cãi nhau, đánh nhau, rồi ly dị. Ngày ấy trong xóm nhỏ nhà C toàn dân lao động nghèo, nên chuyện bố mẹ C ly hôn là chủ đề gây chấn động được bàn tán khắp nơi. Cách đây 20 năm ít ai dám làm chuyện đó lắm, gia đình nào cũng có mâu thuẫn nhưng mà họ chẳng dám xé đôi tờ đăng ký kết hôn như bố mẹ C. Thằng em trai theo bố chuyển đi chỗ khác, còn C với mẹ ở lại trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp.
Mẹ C điên cuồng lao đầu vào công việc, xin vào làm xưởng may rồi nhảy sang nhà máy diêm, tích cóp từng đồng cho C ăn học. C bị lũ trẻ con trong xóm kỳ thị không chơi cùng, bởi chúng nói C là đứa không cha, đứa lì lợm, cả ngày chỉ đi học rồi ở rịt trong nhà. Ước mơ của C khi ấy là nhất định sẽ xây ngôi nhà thật to để tặng mẹ, kiếm thật nhiều tiền thoát khỏi cái xóm ấy.
Rồi cuộc sống yên bình của mẹ con C liên tục bị quấy phá bởi lũ côn đồ. Hóa ra bố C đi vay nặng lãi, lười không đi làm nên chẳng có tiền nuôi em trai C, chủ nợ xiết từ cái xe máy cà tàng đến cái tủ tôn đựng quần áo, hết đồ để xiết chúng mò đến nhà C đập cổng đòi tiền. Mẹ C đội mưa gió lao đi đón con giữa đêm, giành giật thằng em C đến rách cả quần áo, cuối cùng cũng ôm được nó về nhà đoàn tụ với C, tuyên bố cắt đứt với chồng cũ. 3 mẹ con khóc to hơn cả trời mưa, C oán hận ông trời sao lại khiến số phận gia đình C cay đắng như vậy. Rồi đêm ấy, lần đầu tiên C cầm dao cố cắt cổ tay, mẹ phát hiện ra nên tát C cái đau như trời giáng.
Năm 18 tuổi, C đỗ Đại học trong niềm sung sướng vỡ òa. Nhưng C chẳng dám khoe với ai vì tiền học phí đào đâu ra, mẹ C lao lực do làm việc nhiều nên suốt ngày ốm bệnh, thằng em trai thì vẫn còn non nớt. C định giấu tờ thông báo nhập học đi, giả vờ trượt để đi xin việc kiếm tiền nuôi mẹ với em. Nhưng mẹ đã phát hiện ra khi xếp lại tủ đồ cho C, rồi mẹ khóc ngất cầu xin C đừng bỏ dở việc học. Cả tương lai của C và mẹ đều nằm trong tấm bằng Đại học, dù mẹ có bán nhà cũng muốn C trở thành cử nhân.
Thế là mẹ bán nhà thật, khăn gói lên Hà Nội đi thuê trọ với 2 đứa con. Mẹ nhờ người quen xin cho thằng em học tiếp cấp 2, còn C thì trở thành tân sinh viên trường Sư phạm. Mẹ tự hào lắm, mẹ mong C đứng trên bục giảng làm nghề giáo cao quý. Để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học, mẹ nhận đủ việc để làm, từ rửa bát thuê đến sửa quần áo tại nhà.
Ngày C tốt nghiệp, mẹ mua hẳn bộ quần áo mới cho 2 chị em. Sau đó C được nhận làm giáo viên hợp đồng ở một trường tiểu học, chính ở đây C đã quen chồng mình. Anh là trẻ mồ côi, nhưng học giỏi nên được ưu ái làm giáo viên dạy thể dục ở ngôi trường nhỏ. C lạnh lùng khó gần là thế nhưng anh lại yêu thầm suốt 2 năm, sau thời gian dài đò đưa C cũng đồng ý làm vợ anh.
Vợ chồng C có 1 đứa con trai, cuộc sống tuy không giàu nhưng rất hạnh phúc. Mẹ C thuê một căn nhà lớn hơn, quây quần cùng con cháu. Nhưng càng lớn cuộc sống càng nhiều áp lực, C dần rơi vào trầm cảm. Mỗi lần gặp biến cố gì đó hoặc chuyện buồn, C lại vô thức cầm dao rồi cứa lên da. Chẳng ai biết điều đó vì C đi dạy hoặc ra đường vẫn tỏ ra bình thường. Nhưng chồng C thì biết. Nhiều lần anh khóc ôm C, van xin có, năn nỉ có, quát mắng có, còn dọa nạt C rằng nếu cứ làm hại bản thân thì anh sẽ mang con bỏ đi.
Anh bắt C đi gặp bác sĩ tâm lý, nhưng C không chịu. C cứ thấy sự mệt mỏi vô hình đè nặng lên mình, nhất là từ lúc sinh con đến nay C rất stress. C hay nổi giận vô cớ, tâm trạng thất thường, khiến cho mẹ và em trai sợ hãi. Đồ đạc trong nhà tiện tay là C đập, có bữa C còn kệ con đói khóc chẳng cho nó bú, chỉ ngồi một góc trống rỗng.
Cả nhà đều lo lắng cho C nhưng bất lực không biết phải làm sao. Đến ngày sinh nhật 32 tuổi của C cách đây 1 tuần, chồng đã tặng một món quà khiến C bừng tỉnh. Hôm ấy anh nhờ mẹ C trông cháu, rồi lấy xe chở C lên khu phố cổ. Anh cứ dắt tay C đi như kẻ vô hồn, chui vào một tiệm xăm nhỏ trong khu tập thể cũ. Chủ tiệm hỏi anh muốn xăm gì, chồng chỉ vào C nói một câu khiến ai cũng ngỡ ngàng.
- Không phải em, mà vợ em xăm anh ạ. Nhờ anh chọn giúp một hình thật đẹp, hoa lá gì cũng được, miễn là nhẹ nhàng đáng yêu để vợ em sau này không làm tổn thương chính mình nữa. Cổ tay cô ấy cũng hơi nhiều sẹo, em muốn tặng vợ hình xăm để che hết đi. Cả phần đời sau này, em chỉ mong cô ấy hạnh phúc.
Nghe anh nói xong mà C nín thở, nhìn chồng với đôi mắt tròn xoe. Vài giọt ấm nóng chảy ra từ khóe mắt, trong đầu C lóe lên ý nghĩ không được xăm, mình làm nghề giáo cũng không được phép như thế. Dường như chồng hiểu được suy nghĩ ấy, anh bảo chẳng sao cả, em cứ mặc áo dài tay che đi, hoặc anh mua mỹ phẩm để em bôi lên giấu đi cũng được.
- Anh thật sự mong em hãy nhận món quà này. Mỗi khi định làm chuyện dại dột, hãy nhìn vào hình xăm và tỉnh táo lên, nhớ đến bố con anh, nhớ đến mẹ, đến em trai của em, nhớ rằng xung quanh em còn có bạn bè và những người rất yêu quý em. Phải cười thật nhiều và sống tốt vợ ạ, đừng buồn nữa, có anh luôn ở đây!
32 tuổi C vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện mua nhà cho mẹ ở, chưa báo hiếu được cho mẹ, chưa >nuôi dạy con mình nên người, và C vẫn yêu lũ trẻ ở trường lắm. Và C chợt nhận ra mình may mắn biết bao khi lấy đúng người chồng tâm lý. Nếu chị em đang trầm cảm như C và luôn suy nghĩ tiêu cực, hãy nhìn vào những thứ tốt đẹp quanh mình để cố gắng nhé!