Lòng tôi rối bời và vụn vỡ ra trăm mảnh...
Cuộc sống hôn nhân có nhiều khó khăn, trắc trở không giải quyết được mà buộc vợ chồng ta phải sống chung với nghịch cảnh. Đồng thời, mỗi người cần hiểu cho nỗi lòng của đối phương, như vậy mối quan hệ mới kéo dài lâu và bền chặt được. Gia đình S chính là một kiểu mẫu như thế, nhưng giờ đây S đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Chồng S đã ngoại tình, anh xin S tha thứ mà S chẳng biết nên làm gì.
Mọi việc bắt đầu từ một chứng bệnh lạ của S. Da tay của S gặp vấn đề, phải hạn chế tiếp xúc nhất có thể với hóa chất hoặc các đồ tanh. Do đó S còn cần kiêng khem trong việc nấu nướng, dọn rửa. Chứng bệnh bắt đầu từ lúc S dậy thì và đặc biệt không thể chữa khỏi, bắt buộc sống chung với nó cả đời. Nếu không kiêng khem, da tay sẽ hay bị nổi mẩn ngứa khó chịu. Tất nhiên chẳng gây ảnh hưởng tới >sức khỏe, song thi thoảng S cũng gặp nhiều bất lợi trong sinh hoạt thường nhật.
Cũng may nhà S thuộc dạng khá giả, có người giúp việc nên từ nhỏ S không phải làm việc nhà. Bố mẹ cũng chiều chuộng, biết bệnh tình của con gái như vậy nên tuyệt nhiên không bao giờ sai khiến S bất cứ việc gì. Lúc S còn hẹn hò, làm quen với chồng, S cũng nói thẳng vấn đề của bản thân. S muốn rõ ràng ngay từ đầu để sau này lỡ có về chung một nhà thì anh ấy không hối hận. Vì tình yêu nên chồng S đồng ý lấy S mà chẳng cần quan tâm đến vấn đề S gặp phải. Anh còn hứa chắc nịch sẽ chăm sóc S từng ly từng tí một.
Song hóa ra đó cũng chỉ là những lời hứa suông hão huyền. Cưới nhau rồi, thời gian đầu S mang thai nên chồng khá chiều chuộng, cộng thêm có bác giúp việc nữa nên S càng nhàn hạ. Nhưng sau khi S sinh con, hết kỳ ở cữ, chồng bắt đầu thay đổi. Đặc biệt bác giúp việc vì bị bệnh nên cũng không gắn bó thêm với nhà S. Khoảng thời gian không có giúp việc trong nhà, S mệt mỏi kinh khủng. Cái gì S cũng phải nhờ chồng làm, nói hẳn ra miệng thì anh ấy mới tự giác.
vợ chồng S biết tình trạng ấy không thể kéo dài lâu nhưng tìm người giúp việc hợp ý cũng chẳng dễ dàng gì. Người làm việc siêng thì nấu ăn dở tệ, người nấu ăn tốt thì lại rất bừa bộn... Cuối cùng, vợ chồng S đành chấp nhận với một bác nấu ăn tàm tạm, nhưng mọi việc làm rất sạch sẽ ngăn nắp. Vì nhà có con nhỏ nên S ưu tiên yếu tố sạch lên hàng đầu. Bác ấy gắn bó với gia đình S khoảng 1 năm, trong thời gian ấy vì bác không nấu được nhiều đồ hải sản nên vợ chồng S cũng chẳng ăn mấy. Thậm chí nói thẳng ra là toàn ăn thịt, trứng, rau...
Sau đó bác ấy bảo sẽ đi giúp việc ở nhà khác cho tiện gần con cái, thế là vợ chồng S vẫn rơi vào thế bị động. Chồng S đành phải một tay làm hết, mà S thì cũng không nhàn hạ gì, vì chăm con rất cực. Anh ấy chỉ cần nấu nướng, dọn dẹp một chút thôi. Bố mẹ nội ngoại dưới quê, S cũng không tiện làm phiền nhờ vả ông bà nhiều.
Và rồi thời gian gần đây, S thấy chồng lại càng hời hợt, sống thiếu tình cảm với vợ. Cho tới ngày cuối tuần trước, một thùng đồ gửi về nhà S. Khi đó chồng S đang đi làm còn S thì ở nhà. Trên thùng đồ có ghi hai chữ "Hải sản". S bắt đầu thấy nghi ngờ, vì cũng lâu rồi vợ chồng S không ăn hải sản, chưa nói gì là đặt đồ về tận nhà thế này. Ban đầu S còn nghĩ hay là chồng thèm ăn nên anh ấy mới đặt, định lát nữa chồng về thì hỏi.
Linh tính mách bảo thế nào mà S lại dùng dao rạch thùng ra để xem bên trong có gì. Vừa mở ra đã thấy có tờ giấy ghi nắn nót "Tặng anh chút quà quê, anh bảo vợ làm nhé!". Cơn thịnh nộ trong S bừng lên, rõ ràng đây là người lạ! Bởi bạn bè của S hay của chồng đều đã biết về chứng bệnh này của S khi họ tới nhà ăn liên hoan. Viết ra lời thách thức kia, chắc chắn là có ý đồ.
Khi chồng S về nhà, S đã chất vấn anh ta liên tục. Ban đầu chồng còn chối, bảo không biết là ai gửi. Nhưng rồi nhìn vào mắt anh, S đã hiểu chuyện này là thật. Tới tối hôm đó, chồng xin lỗi, thú nhận tất cả. Lòng S vụn vỡ, không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào nữa. Thì ra, anh ấy đã phải lòng một người phụ nữ có thể làm việc nhà, có thể đảm đang và tháo vát nấu nướng.