Lúc tôi đưa 5 triệu cho mẹ đẻ để về quê ăn Tết thì Khang đang ngồi ở sofa. Anh lập tức bảo có chuyện quan trọng, lôi tuột tôi vào phòng ngủ. Nào ngờ, anh chất vấn tôi lấy tiền đâu ra, rồi bảo tôi chỉ lo giấu giếm cho nhà đẻ.

Thùy Dương (TH) 04:42 20/10/2022

Mẹ đẻ lên ở cùng kể từ khi tôi sinh con trai đầu lòng. Thực ra thì Khang không thích bà, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Mẹ chồng ghét trẻ con. 4 đứa cháu ngoại, con của các chị chồng đã học tiểu học mà bà còn không trông nổi ngày nào. Và giờ tới cháu nội, bà cũng tuyên bố: Con ai người ấy tự trông!

Tôi mừng. Tôi sớm đã ngỏ ý với mẹ đẻ. Bà bảo sao cũng được, miễn là con gái bớt vất vả. Nhưng lúc bàn thì Khang tỏ ý coi thường. Anh bảo mẹ tôi sống ở quê, biết chăm trẻ khoa học là thế nào không? Tôi giận 3 ngày trời, Khang thì biết lỡ lời nên ra sức xin lỗi. Phải tận lúc anh ra sức thể hiện sự tôn trọng với mẹ đẻ của tôi, rồi đánh xe đón bà lên ngay, tôi mới tạm nguôi.

Tuy nhiên, kể từ lúc đó tôi nhận ra chồng mình cũng không giống như những gì anh từng nói. Hoặc do trước anh yêu tôi nên nịnh bợ thế thôi?

Còn nhớ khi xưa, anh luôn khẳng định tôn trọng mẹ vợ. Cũng chính Khang còn phát biểu trên sân khấu đám cưới là thương bà 1 mình nuôi tôi vò võ bao nhiêu năm trời. Công sức của bà anh trân trọng, chỉ hy vọng sau này có cơ hội được phụng dưỡng, chăm sóc... Ấy thế mà giờ bà lên trông con hộ, anh còn không thích. Mẹ đẻ tôi mà bị bệnh nằm 1 chỗ, chắc anh còn căm ghét nữa chứ làm gì có chuyện phụng dưỡng?

(Ảnh minh họa)

 

Và gần 2 năm qua, mẹ lên sống cùng chúng tôi. Thời gian đầu, vì tôi ở nhà nghỉ thai sản nên cũng không có tiền. Xưa kia anh đã giàu có hơn, căn chung cư này do anh mua, giờ lại là trụ cột chính của gia đình nên Khang càng lên mặt. Không chỉ với mẹ vợ, anh còn ngạo mạn với cả tôi.

Nhiều hôm tôi thật sự mệt, nhưng anh yêu cầu tôi phải chiều. Tôi có nói thế nào, Khang cũng không chịu. Thậm chí, anh còn rút ví ra ném xấp tiền vào mặt tôi rồi nói: "Tôi nuôi cô, nuôi mẹ cô, thế mà có yêu cầu chút xíu thế cũng không chiều được? Cô có tin với ngần này tiền tôi đi ra ngoài được bao nhiêu đêm?"

Biết chồng đang say, tôi nhịn. Nhưng chính những lời nói anh buột miệng lúc say, lúc tức khiến tôi rất buồn. Tôi để bụng. Tình cảm dành cho anh chồng ngày một ít dần.

Bản thân tôi cũng nhận ra rằng, mình cần phải tự chủ kinh tế, kiếm nhiều tiền hơn. Khi đó mới may ra chồng bớt coi thường. Và ngay tháng thứ 3 sau sinh, tôi bắt đầu lao đầu vào kiếm tiền.

Còn phần Khang, anh khi vui thì vẫn bình thường, lúc cáu giận vẫn hay buông những lời xúc phạm, coi thường nhà vợ. Nhưng lúc đưa tiền thì dù vui hay buồn, anh đều chêm vào vài câu đại loại: "Chả ai sướng như em, có chồng nuôi, lại còn đèo bòng thêm cả mẹ đẻ. Liệu mà chi tiêu cho hợp lý chứ anh cũng chả phải cái máy in tiền".

Việc Khang đưa tiền sinh hoạt, tiền quà cáp cho mẹ vợ tôi sẽ biết ơn và trân trọng hơn nếu như anh có thái độ khác. Nhưng chính vì sự coi thường đó mà tôi phó mặc chuyện chăm con nhỏ cho mẹ. Nhiều lúc nhìn thằng bé khóc ngằn ngặt mà tôi xót, nhưng vẫn phải cố đóng cửa lại để làm việc. Chỉ buổi tối chồng về, tôi mới gác lại chuyện kiếm tiền, chơi với thằng bé.

Nhiều lần mẹ đẻ cũng mắng tôi là tham công tiếc việc. Rồi thì tuổi thơ của con chỉ có 1 lần, đừng để con bị thiếu thốn. Thế nhưng nhớ về câu nói của Khang hôm nào, tôi lại phải phấn đấu.

(Ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên, tới hôm gần Tết vừa rồi, mẹ bảo về quê. Tôi nằng nặc giữ thế nào cũng không xong, Khang lại đồng tình với bà: "Mẹ thích để mẹ về đi. Em có bạn bè, có hàng xóm thì mẹ cũng vậy chứ."

Tôi đành nhượng bộ. Quan trọng là mẹ mình cũng muốn thế. Hôm trước khi bà về, ăn xong tôi rút ví đưa mẹ 5 triệu bảo cầm về lo chi tiêu. Thực ra tôi có thể cho mẹ nhiều hơn, nhưng ngẫm lại bà cầm nhiều tiền mặt thế không an toàn.

Lúc tôi đưa 5 triệu cho mẹ đẻ để về quê ăn Tết thì Khang đang ngồi ở sofa. Anh lập tức bảo có chuyện quan trọng, lôi tuột tôi vào phòng ngủ. Nào ngờ, chuyện quan trọng mà anh nói đó là hỏi tôi tại sao đưa mẹ tiền mà không bàn bạc, rồi thì tôi lấy tiền ở đâu để cho bà.

Tôi cũng đáp thẳng thừng: "Gần 1 năm qua mẹ trông con cho mình, giờ cho có 5 triệu thấm vào đâu. Bà mà đi làm ngoài còn nhàn thân hơn, lại còn được gấp chục lần con số 5 triệu ý chứ!"

"Vấn đề anh hỏi em là tiền ở đâu? Em dùng tiền anh đưa mà không hỏi ý kiến anh 1 câu? Không xin phép, bàn bạc gì? Bà ngoại trông cháu là chuyện thường, nếu mất tiền thuê thì khác gì giúp việc. Ra Tết bảo bà đừng lên, anh thuê người cho dễ sai bảo, khỏi phải nhìn mặt bà mà sống" - Khang cứng rắn nói.

Trước những lời lẽ này của anh, tôi mới không nhịn được nữa mà tiết lộ hết chuyện làm ăn của mình. Tôi cầm điện thoại, mở tin nhắn thông báo số dư tài khoản lên, rồi nói: "Anh tự cho bố mẹ chồng mấy chục triệu tiêu Tết, cho mẹ tôi 5 triệu anh cũng tính toán? Thế thì anh nhìn đi, tôi đây cũng chẳng thiếu tiền. Gần 1 năm qua nhờ mẹ lo trông con, làm việc nhà, tôi cũng kiếm vài chục triệu từ lâu rồi. Vài đồng mà anh đưa cũng chỉ đủ bỉm sữa, chi phí sinh hoạt trong nhà thôi anh chồng ạ. Ra Tết anh muốn thuê giúp việc cũng được, tùy. Nhưng tiền tôi cho mẹ thì anh cũng đừng quản."

Nói xong, Khang cứng họng. Có lẽ anh thấy bị hố khi tưởng vợ ăn bám, hóa ra lại âm thầm kiếm tiền và còn tích lũy được 1 khoản lớn như vậy.

Theo M52/Tổ Quốc