Nghe âm thanh ấy phát ra tôi bắt đầu sợ hãi nhưng vẫn lén lút xuống xem sự tình gì đã xảy ra. Ngờ đâu trước mặt mình hình ảnh...
Tôi chưa lập gia đình, vẫn đang sống cùng bố mẹ, anh trai, chị dâu và đứa cháu mấy tháng tuổi trong căn nhà 4 tầng ngay mặt phố. Trước kia tôi thấy khá vui, kinh tế đầy đủ, có mẹ lo từng bữa ăn giấc ngủ cho, thế nhưng kể từ ngày chị dâu về là xảy ra không ít chuyện.
Đương nhiên, ban đầu vẫn là những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu khiến 10 bữa thì tới 9 bữa cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Khổ nỗi, ông anh tôi lại là người rất hiền và không khéo. Thế nên, ông ý cứ mở miệng ra hòa giải lại thành đổ thêm dầu vào lửa. Nhiều lần tôi mắng ông ấy, rồi bảo “thà ông ý cứ im có khi còn đỡ”, ai dè sau này ông ấy im thật. Hễ biết mẹ và vợ cãi nhau là y như rằng anh tôi lặn mất tăm, tìm cách lẩn tránh.
Trước đã nhiều vấn đề, từ khi chị dâu tôi bầu bí, sinh con thì hai người lại càng hay cãi nhau hơn. Chị dâu trách mẹ không quan tâm, rồi thì chăm cháu không khoa học; trong khi mẹ tôi lại nói chị dâu đòi hỏi, không biết điều, hỗn láo…
Tôi cũng chẳng biết đường nào mà lần, nhưng đương nhiên sẽ đứng về phía mẹ mình. Thi thoảng cũng thấy chị dâu tội nghiệp thật vì có anh chồng nhu nhược là anh hai tôi, nhưng cảm giác đó cũng mau trôi đi.
Duy chỉ đôi lần tôi thật sự thấy cảm thông cho chị đó là lần chị bị nghén, không ăn được cơm, đồ tanh, thịt lợn cũng không. Thành ra, chị đã xin ăn riêng, chỉ ăn hoa quả, thịt gà và thịt bò vì chỉ hễ ngửi thấy mùi cơm là buồn nôn.
Nhưng mẹ tôi trách chị lắm chuyện, rồi đi kể xấu khắp nơi. Bà còn bảo tiền chị tôi góp vào tiền sinh hoạt không đủ mua hoa quả cho chị ăn. Không rõ sau đó chị dâu nghe được từ đâu mà về nhà cũng ngồi ăn cùng mọi người, rồi khóc lóc hỏi mẹ tôi về những chuyện đó.
Mẹ tôi chẳng buồn giữ trong lòng nữa, tuôn ra cả tràng, nào là con nhà lính tính nhà quan, ghét mẹ chồng nên lấy cớ… Chị dâu không cãi lại, ngồi cố ăn như mọi người nhưng bữa đó chị ôm nhà vệ sinh suốt buổi, nôn không ngớt.
Suốt 2 ngày chỉ buồn nôn mà không ăn được gì, chị bị hạ đường huyết, cơ thể suy nhược ngất xỉu phải vào nhập viện. Lúc này anh hai mới cáu với mẹ tôi, tôi cũng khuyên bà cơ địa mỗi người mỗi khác, đừng gây áp lực cho chị.
Những tháng ngày sóng gió như thế vẫn chưa qua. Nhưng 1 chuyện xảy ra đã khiến tôi hiểu rằng, mai này có lấy vợ có lẽ nên ở riêng. Đó không phải là không hiếu thuận, mà là tôn trọng cuộc sống của cả vợ, bản thân và bố mẹ.
Chả là tôi hay thức khuya để làm việc hoặc chơi game, có hôm tới 1-2h sáng là chuyện thường. Hôm đó cũng như thường lệ, tôi đeo tai nghe để chơi. Sau khi xong kèo, vừa tháo tai nghe thì tôi bất ngờ nghe ở nhà bếp vang lên tiếng loảng xoảng, hình như bát đĩa rơi vỡ?
Giờ này rồi thì làm gì còn ai ở dưới đó được? “Ôi c.hết, mình đã đóng cửa sổ chỗ nhà bếp chưa nhỉ?” – tôi lo sợ. Rồi tôi hình dung dưới kia là một tên trộm đang khua khoắng đồ đạc, tài sản của nhà mình. Tôi vội vàng cầm cây gậy đã ngay cửa phòng, lò dò cầm theo điện thoại đi xuống.
Xuống tới nơi, tôi cảm giác có bóng đen trước mặt, mới bật đèn pin điện thoại và định lao tới thì chị dâu bất ngờ hốt hoảng gọi:
- Khải, Khải, chị đây.
- Chị… Sao chị lại ở đây?
- Suỵt! Chú nói khẽ thôi, chị xuống nấu đồ ăn đêm, đói quá!
- Chẳng phải tối mẹ đã mang cho chị rồi sao?
- Mẹ nấu quanh đi quẩn lại vài món ấy suốt mấy ngày nay rồi, nào thì thịt nghệ, canh rau ngót, chân giò, chân chó. Chân giò và chó chị đã không ăn được rồi, còn 2 món kia em nghĩ chị ăn có chán không?
- Thế sao chị không thẳng thắn nói với mẹ? Thích gì thì phải nói với mẹ chứ, mẹ cũng có khó tính đâu chị? Còn cơm cữ không đa dạng như cơm thường, chị phải cố ăn có sữa cho con chứ.
- Chú không đặt mình vào địa vị của chị rồi. Chú là con ruột của mẹ, khi vào bàn ăn, thấy món này không hợp chú không ăn – không sao hết. Rồi món này mặn, món kia nhạt, chú có nhắc lần sau mẹ chú ý nêm nếm cho vừa – cũng không sao hết. Nhưng chị góp ý thì mẹ sẽ để bụng, đó là không tôn trọng, là không biết điều. Hiểu không? Chị cũng có lần bảo mẹ thử đổi món nhưng mẹ bảo chị chỉ nằm mà sai, không hầu được. Chị mới sinh nên dễ tủi lắm, chỉ 1 lời đó của mẹ khiến chị không bao giờ dám nhờ lần 2. Mà cơm cữ giờ cũng đa dạng lắm em, tôm, cá đều ăn được hết. Chỉ là các mẹ vẫn giữ quan niệm ngày xưa thôi.
Mẹ mà biết chị để thừa đồ ăn, mẹ sẽ giận. Thế nên chị toàn phải tìm cách bọc thật kĩ bỏ vào thùng rác. Nhưng ăn ít thì lại đói, chị phải xuống tự nấu ăn thế này. Chú đừng nói với mẹ, kẻo mẹ giận rồi mẹ lại chẳng nấu cho mà ăn nữa.
Nhìn chị bưng bát cơm nguội, bên trên là quả trứng rán vội mà tôi bỗng thấy thương. Hóa ra, chị cũng rất hiểu chuyện chứ không phải chảnh chọe, ghê gớm như mẹ tôi nói. Nhìn chị ăn mặc phong phanh, mắt rơm rớm kể chuyện mà tôi cũng thấy thương. Tôi ngồi tâm sự thêm với chị nhiều điều, cũng tự trách bản thân, trách cả anh trai chưa bao giờ thật sự mở lòng để hiểu chị.