Lâu lâu mẹ chồng mới lên thăm cháu một lần, nhưng lần nào Thương cũng phải nghe những lời xỉa xói cay độc của bà.
Thương là một cô vợ lận đận trong chuyện tình duyên. Ngày được Quân đưa về ra mắt, cô vấp phải sự phản đối gay gắt của bà Lý - mẹ anh. Mẹ chồng tương lai bĩu môi chê Thương quê mùa, gia cảnh bần nông, lại xa nhà anh đến cả trăm kilomet.
Đó là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng đối với một cô gái 23 tuổi. Thương đã hơn 1 lần nói lời chia tay với Quân để anh không phải rơi vào thế khó xử. Nhưng cuối cùng hai người vẫn không bỏ được nhau. Và Thương có bầu.
Vì đứa bé trong bụng Thương nên mẹ Quân đành nhượng bộ. Tuy nhiên bà vẫn tỏ thái độ không thích cô ra mặt. Thương nhớ mãi 5 tráp lễ tuềnh toàng mẹ chồng đưa đến nhà cô. Bà còn chẳng thèm uống cốc nước chè mà bố Thương mời. Và kể từ lần ăn hỏi đó cho đến nay - đã ngót nghét 10 năm, bà Lý không quay lại nhà thông gia chơi bao giờ.
Làm dâu nhà bà Lý, Thương khổ trăm bề. Vì không thích con dâu từ trước nên bà bỏ mặc cô bầu bí nặng nề. Thương đẻ được hơn tuần vẫn phải bò xuống giường nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa như thường. Nhưng những thứ đó không hề hấn gì so với lời nhiếc móc của bà Lý dành cho con dâu. Bà hết chê cô vụng về, lôi thôi, thì lại lấy gia cảnh của cô ra để nói. Bức quá, vợ chồng Thương đành xin lên thành phố để làm ăn và mua nhà luôn ở đó.
Mua xong nhà, còn một ít nợ nần, vợ chồng cô bảo nhau chịu thương chịu khó làm ăn. Tuy nuôi con và đi làm vất vả nhưng Thương vẫn cảm thấy đầu óc thoải mái hơn rất nhiều so với việc phải ở với mẹ chồng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được lâu thì nỗi buồn lại ập đến!
Khi đó, Thương đang mang thai đứa thứ 2 được 8 tháng thì chồng cô bị tai nạn giao thông và qua đời. Thương đau đớn đến xé lòng dẫn đến việc cô bị sinh non. Ngày đưa tang chồng thì Thương đang nằm viện. Đây lại thành 1 cái cớ để mẹ chồng gào thét chửi mắng cô trong đám tang của con trai. Bà nói cô bạc tình, chồng mất mà không đến nhìn mặt. Nhưng mẹ chồng đâu biết rằng, Thương cũng đau lòng không kém.
Thương mất một khoảng thời gian dài suy sụp tinh thần. Cô sụt 5kg, ai nhìn cũng xót, duy chỉ có mẹ chồng là không.
Gác lại nỗi đau mất chồng, Thương tự nhủ phải lấy lại tinh thần vì chị còn 2 con nhỏ. Cũng may, chồng Thương có bảo hiểm nên khi anh ra đi, số nợ nần được thanh toán hết. Nhiều người thân thương xót cũng giúp đỡ cô rất nhiều. Nhưng mẹ chồng lại coi Thương đang hưởng thành quả bao năm vất vả của con trai bà.
Thương không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Hơn 3 năm qua, một mình cô đi làm để chăm sóc 2 đứa nhỏ, cực không kể xiết. Mẹ đẻ thương con gái nên nhận trông nom cho đứa lớn. Còn mẹ chồng thì thi thoảng mới ra thành phố thăm cháu. Nhưng Thương chẳng mong bà đến nhà. Bởi lần nào, mẹ chồng cũng chỉ dành cho cô những lời xỉa xói. Nhận được tí tiền bà cho 2 cháu thì Thương phải nghe bà "xả" cho đã miệng. Như thế nhục lắm, cô không cần.
Tuần trước, con trai lớn của Thương đi học bị ngã gẫy tay. Trẻ con nô đùa nhau thì không tránh được, nhưng Thương biết kiểu gì cũng bị mẹ chồng mắng mỏ.
Quả nhiên, ngày hôm sau bà lên thăm cháu, dúi vào tay thằng bé tờ 500.000 đồng. Sau đó, bà Lý ra nhà ngoài đi lại nhìn khắp căn nhà một lượt rồi bắt đầu "bài ca" của mình: "Cô làm mẹ kiểu gì vậy hả. Sao lại để thằng Tít nô nghịch rồi ngã gẫy tay? Ôi đúng là nhà tôi vô phúc. Cô khắc chết con tôi, giờ cô lại ám đến con mình.
Dạo này thằng Tít, cái Mít đều gầy đi trông thấy. Nhìn mà xót. Cô không quan tâm đến con mình à? Cô tiêu tiền của con trai tôi mà để chúng đói ăn thế à? Quần áo cũng không mua cho chúng nó được. Đứa nào nhìn cũng lấm lem, cũ rích. Quê mùa đúng kiểu con mẹ. Nhìn cô kìa, thật thảm hại. Sao con trai tôi lại thích loại người phụ nữ này cơ chứ.
Cô có đi làm không vậy? Hay chỉ ở nhà rồi tiêu hết tiền của con trai tôi. Nhưng lại không >nuôi dạy con được tử tế. Cô cứ thế này tôi phải rước cháu tôi về chăm. Để cô nuôi chắc gì chúng được học hành...".
Thương đã chán nghe những lời nhiếc móc của mẹ chồng. Buộc lòng cô phải "tức nước vỡ bờ". Thương đáp lại: "Chúng con vẫn ổn. Bọn trẻ đi học không thể tránh tai nạn lúc chúng nó nô đùa được. Con nuôi con cũng rất tốt, mẹ đừng lo".
Bà vẫn than thở: "Sao tôi lại không lo cơ chứ. Kiếp trước tôi đã tạo nghiệp gì mà kiếp này dính phải con dâu như cô?"
"Sao mẹ lại nói thế? Con cũng là con gái cưng của mẹ con. Nếu mẹ con biết con đang phải nghe những lời kinh khủng như thế này, bà ấy sẽ đau lòng như thế nào? Con sẽ không ngồi nghe những lời nhiếc móc tàn nhẫn của mẹ như trước nữa. Ít nhất là vì người mẹ đáng thương của con.
Mẹ chồng à, mẹ đừng đến đây nữa. Dù con có phải cạo đầu, con vẫn nuôi con đàng hoàng tử tế. Chúng nhất định sẽ được học đại học. Con sẽ làm tất cả nuôi con con khôn lớn. Dù con không thể mua cho chúng những bộ đồ hàng hiệu, nhưng chắc chắn không để chúng chết đói, ăn mặc rách rưới.
Con sẽ cố gắng hết đời này để chúng có cuộc sống đáng mặt làm người. Thế nên mẹ chồng à, con xin mẹ, mẹ đừng bao giờ lên đây nữa, để ba chúng con sống yên bình.
Từ ngày anh ấy ra đi, con đau lòng đến nhường nào. Mẹ đâu có hiểu? Mẹ chu cấp cho các cháu được bao nhiêu mà có quyền chỉ trích con?
Từ giờ mẹ có đến thăm chúng con, con cũng không mở cửa cho mẹ đâu" - Thương lớn giọng.
Bà Lý câm nín vì những lời con dâu mình vừa nói. Bà không ngờ Thương trước giờ chỉ biết chịu trận mà có thể phản ứng mạnh như vậy.
Một lúc sau, bà Lý đứng dậy lật đật bỏ về quê. Trước khi đi bà dúi cho cô 1 xấp tiền được đựng trong phong bì. Nhưng Thương không nhận. Ánh mắt bà Lý nhìn con dâu ngập ngừng như muốn nói lời xin lỗi. Nhưng bà không thốt ra được. Đành lủi thủi xách túi ra về.