Đây là tình huống vợ chồng tôi không lường trước, nhưng rất may cách xử trí này đã giúp giải quyết vấn đề.
Gia đình chồng tôi khá phức tạp. Bố mẹ anh ấy từng ly dị từ ngày chồng tôi còn nhỏ, vì vậy bố anh đi bước nữa với một người phụ nữ khác. Chồng tôi là con cả, dưới anh còn có một em gái. Và mẹ kế cũng có một người trai con chung với bố chồng. Mối quan hệ của họ không hề tốt chút nào vì tôi nghe chồng kể chính mẹ kế là nguyên nhân khiến bố mẹ anh tan vỡ. Vì si mê người đàn bà trẻ tuổi kia mà bố chồng đã có lựa chọn sai lầm.
Trong bao nhiêu năm qua, chồng tôi lẫn em gái chồng cũng hận bố tột độ. Nhưng vì chỉ có bố mới đủ điều kiện kinh tế để nuôi hai anh em nên mẹ anh không được quyền nuôi con. Bà ấy thậm chí còn mất sớm vì bệnh tật, đúng là quá khổ sở. Cả một đời tần tảo vì chồng con, vậy mà bao công lao bị người phụ nữ khác cướp mất.
Bên cạnh đó, chồng tôi còn không ưa gì người em trai cùng cha khác mẹ. Bởi nó luôn được chiều chuộng trong nhà, kể cả làm việc gì sai thì người lớn sẽ bênh vực. Vượt lên trên tất cả những khó khăn và sự mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, hai anh em nhà chồng tôi vẫn học hành đàng hoàng tử tế, cố gắng để xây dựng sự nghiệp lẫn tình yêu. Khi tôi quen chồng, anh ấy đã trở thành một phó phòng truyền thông của công ty nổi tiếng. Vì vậy tôi cực kỳ tự hào về người đàn ông này và quyết tâm phải lấy làm chồng.
Hiện tại chúng tôi đã có một con, đúng thời điểm tôi mang thai thì bố chồng bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi còn nhớ những ngày bụng to vượt mặt nhưng vẫn phải vào viện mang đồ ăn cho bố chồng. Trong khi đó, mẹ chồng thì lười biếng, chẳng chịu quan tâm ông ấy, đùn đẩy cho chồng tôi và em gái chồng. Thậm chí, bà ta nếu có nhờ con chung làm việc gì thì đó cũng chỉ là những việc vô cùng nhẹ nhàng.
Khi con tôi được hơn 1 tuổi thì bố chồng qua đời. Tôi biết trong nhà mất đi người làm chủ thì ắt sau này sẽ nảy sinh vô vàn mâu thuẫn. Và đúng thật, mọi sự cãi vã đều là vì tiền bạc của cải. Hồi còn sống, bố chồng cũng làm ăn khấm khá, có rất nhiều >tài sản song ông ấy không để lại di chúc. Điều này khiến cho việc phân chia tài sản trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Mẹ chồng và con trai của bà ấy vẫn sống trong ngôi nhà của bố chồng. Ngoài ra, ông còn 2 mảnh đất khác. Nếu nói theo một cách hợp lý thì 2 mảnh đất này phải thuộc về chồng tôi và em gái chồng. Như vậy ai cũng sẽ được chia tài sản đều mà chẳng tị nạnh nhau. Song mẹ chồng tham lam vô độ, bà ấy muốn giành phần nhiều cho con trai mình. Thậm chí, bà còn nói ra rả lý do rằng con bà chưa lớn như các anh chị nên các anh chị phải nhường em út. Một lời giải thích cực vô lý không thể chấp nhận nổi.
Theo ý của mẹ chồng, bà và con trai chung với bố chồng sẽ sở hữu căn nhà hiện tại và 1 mảnh đất. Mảnh đất còn lại thì chồng tôi và em gái anh ấy chia đôi. Lúc họp cả gia đình, tôi thấy thái độ mọi người nguội lạnh. Nói thẳng là chồng tôi và em gái anh rất hận ghét mẹ kế nhưng họ lại mang bản chất hiền lành, không hề muốn giành giật. Nhưng tôi thì khác, tôi nghĩ bây giờ là thời điểm quan trọng để làm mọi thứ sòng phẳng. Nếu không sau này sẽ còn nhiều mâu thuẫn tương tự.
Tôi mang ra tập giấy ghi viện phí của bố chồng và ném thẳng lên bàn trước sự chứng kiến của mọi người. Đồng thời, tôi nói bằng giọng điệu kiên quyết: "Hồi bố đang chữa trị bệnh, tiền viện phí chỉ có vợ chồng con cáng đáng, không ai phải bỏ ra đồng nào. Nhưng lần đấy là vì muốn ổn định cho bố chữa bệnh nên chưa tính toán gì nhiều. Bây giờ nếu mẹ nói theo kiểu vô tình như thế thì mẹ chịu trách nhiệm trả một phần viện phí trong đống này đi. Còn con nói thật mảnh đất chả là cái gì. Nhưng tham lam quá sau này cẩn thận lãnh hậu quả nhớ đời!"
May mà chồng tôi can ngăn, nếu không tôi còn nói ra những điều cay đắng hơn dành cho người mẹ chồng thiếu suy nghĩ này. Bà ấy đứng hình rồi bảo mọi người ra về. Và quả thật chiêu này của tôi rất hiệu quả, cuối cùng mẹ chồng đã phải chia đều cho tất cả và thay đổi suy nghĩ ban đầu. Đúng là phải cao tay thì mới trị được kiểu người ích kỷ!