Tôi thấy mình chẳng làm gì sai mà phải chịu đựng mãi những lời nói mắng mỏ, nhiếc móc của chị chồng.
Chị chồng tôi kết hôn đã mấy năm, giờ đang làm mẹ của 2 đứa nhỏ. Nhưng vì lấy chồng gần nên hầu như chị ở nhà ngoại suốt. Tôi và Thành thì cả tháng mới về đôi lần nên cũng không vì thế mà mâu thuẫn, xích mích gì. Thậm chí, chồng tôi còn cho rằng chị ở gần là cái tốt vì có thể chăm sóc, đỡ đần bố mẹ lúc ốm đau...
Tuy nhiên, qua những lần về ngắn ngày, rồi dịp lễ Tết thì tôi lại thấy chị gái không làm được điều mà Thành kì vọng. Thay vì đỡ đần ông bà, chị chồng tôi mang 2 đứa con nhỏ sang nhà ngoại gửi gắm. Nghe mẹ chồng tôi kể, buổi sáng chị sẽ chở 2 con đi học rồi tiện đường đi làm, nhưng chiều chị về muộn thì bà ngoại đi đón.
Tới tối, chị chồng tan làm nhưng phải cơm nước, tắm rửa xong xuôi chị mới qua đón 2 con. Trong khoảng thời gian đó, tiền bỉm, tiền sữa của đứa nhỏ, tiền ăn vặt của đứa lớn đương nhiên chị chẳng đưa lại bà.
Rồi mỗi lần tôi về quê, chị luôn xúi tụi nhỏ đòi cậu mợ đồ chơi, quà cáp. Có lần, tôi chỉ mua bánh ngọt và hoa quả, thế là bé lớn còn dỗi, bảo: "Cậu mợ không mua đồ chơi, không thích. Cậu mợ ki bo."
Biết rằng cháu còn nhỏ, không hiểu chuyện, nhưng tôi vẫn không vui. Lại được chị chồng hùa vào, nửa đùa nửa thật bảo tôi: "Cháu nó đầy đồ ăn rồi mợ ơi, mua cho cháu đồ chơi thôi. Phải mua đúng ý nó thì nó mới quý mợ. Tít ơi, con ra bảo mợ đưa đi mua đi".
Tôi cười mà như mếu khi 2 đứa nhỏ chạy ùa ra bám lấy đòi tôi đưa đi mua đồ chơi. Thật sự, trẻ con có thể không hiểu chuyện, nhưng bố mẹ thì phải nhắc nhở chúng đừng có đòi hỏi như thế chứ!
Lý do tôi không thích chị chồng chưa dừng tại đó, rõ ràng tôi rất cưng chiều các cháu, thế mà chị vẫn nói xấu tôi.
Nhớ hồi đầu tôi về làm dâu, tôi còn lạ lẫm nhiều thứ, đường sá thì không rành. Do đó, hễ về quê, tôi cũng chẳng có đi đâu ngoài quanh quẩn nấu nướng, dọn dẹp và chơi với 2 cháu, nhưng có hôm tôi ra ngoài ngõ lại nghe được hàng xóm bảo: "Thấy cái Thanh (chị chồng tôi) bảo cháu gái thành phố, về quê không biết làm gì, không thích đi đâu, chảnh lắm, nay mới gặp trông giản dị, hiền lành thế này cơ mà".
Tôi bực lắm, về kể với Thành thì anh khuyên tôi không nên so bì. Sau này về quê chịu khó đi ra ngoài nói chuyện với mọi người một chút là ổn ngay. Tôi vẫn mất dần cảm tình với chị chồng...
Nhưng lần nào tôi về quê là cũng gặp vấn đề với chị. Hàng xóm lại mách tôi đủ câu chuyện được chị chồng thêm mắm dặm muối, hoặc bịa đặt để nói xấu em dâu. Tôi vẫn cho qua hết vì nghĩ thương Thành, thương mẹ chồng hiền lành. Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng, chị chồng tiếp tục nói xấu tôi.
Hôm ấy, mẹ chồng bảo Thành thịt 2 con gà mà mang ra Hà Nội, bỏ ngăn đông ăn dần. Ngoài ra, bà còn chuẩn bị cho chúng tôi rất nhiều rau cỏ xanh sạch, không thuốc trừ sâu. Khi tôi đang hí hửng mang ra cốp xe thì chị đi ăn cỗ về. Chị có vẻ không hài lòng, tôi chào không nói gì.
Nhưng khi nghe thấy mẹ chồng hỏi có muốn lấy thêm cá hay thịt ngan không, thì chị đứng ở bệ cửa nói với ra: "Về thì chẳng thấy cho cái gì, chỉ vơ vét của bố mẹ đi thôi".
Mẹ chồng tôi quay vào trách, Thành cũng tím mặt. Nhưng chị ấy lại nửa đùa nửa thật mà bảo: "Thì con cứ nói thế, bố mẹ già rồi trồng được tí rau, nuôi được con gà, ăn chả dám ăn chỉ mong con trai về là biếu. Nói đi cũng phải nói lại, cậu mợ ấy có của ăn của để mà không cho được cái gì. Tiếc cháu nó cả bộ siêu nhân hơn trăm bạc".
Tôi hiểu ngay vấn đề, chị ấy tiếc hộ bố mẹ là 1 phần, mà ấm ức thay con nhỏ vì tôi từ chối mua đồ chơi là phần lớn. Tối qua tôi dẫn 2 đứa đi ra tạp hóa nhưng chỉ đồng ý mỗi đứa 1 món đồ. Thằng út đòi mua thêm siêu nhân, tôi không cho. Và giờ lại thành ra chúng tôi là người chỉ biết vơ vét...
Tôi cố tình lơ đi những lời chị chồng nói, lập tức rút ví trong túi xách ra rồi nói to với mẹ chồng: "Mẹ ơi, mẹ cầm lấy tiền này để tiêu vặt. Còn tiền điện, nước, mạng con thanh toán giúp bố mẹ cả rồi. Mẹ cần gì, thiếu thốn gì thì cứ nói với bọn con nhé!"
Tôi đưa cả xấp tiền cho mẹ chồng, chị chồng nhìn thấy xong thì đủ hiểu rằng chị ấy vừa nói khi nãy sai quá sai, vội lủi vào, không nói gì thêm.