“Con đi rồi lại về nhé... ông thương. Vài năm nữa thôi, cháu tôi nó dắt tôi đi ăn phở rồi Sao mày mãi chưa chịu lấy chồng đi.” Là câu nói của bố tôi mỗi khi anh trai về quê.
Ngẫm nghĩ những gia đình đông con, cha mẹ gọi đến là có đứa này đứa kia, con cái phụ cha phụ mẹ lúc tuổi già mà tôi chạnh lòng.
Hôm qua ông còn rơm rớm nước mắt, biết ngày mai cháu nội lại đi, ông ráng thức khuya hơn tranh thủ ôm cháu, bình thường 9 giờ đã ngủ rồi.
- “Tối mai con về nhé
Sao không về sớm hơn con, 11h đêm còn lọ mọ
- Con sắp xếp xong việc khi nào khi đấy con về
Tranh thủ về sớm sớm đấy ... tút ... tút ... tút”.
Anh hai và chị dâu tôi kết hôn đến nay đã năm năm và mới sinh một bé gái vào năm 2021. Cả hai anh chị là người tự lập, làm ăn xa, họ tự bảo nhau làm ăn nên sau vài năm cũng đã dư dả đôi chút về tiền bạc, nhưng lại khá thiếu thốn thời gian cho gia đình. Những con người của công việc hẳn là như vậy. Vì điều đó, dù thương cha mẹ rất nhiều nhưng thời gian dành cho họ cũng rất ít.
- “Sao vậy mẹ, con bận quá
Thôi, mai con gọi lại cho nhé!
- Hôm nay Na ngủ rồi
Bữa khác gọi sau nhé mẹ”
Cứ thế, trong một tuần, những lần gặp nhau ít ỏi qua điện thoại cũng không trọn vẹn. Hai ông bà ở nhà cũng cố gắng sắm sửa thêm cái điện thoại có camera, rồi học cách nghe - gọi qua Internet cốt để được thấy hình ảnh cháu.
Trước kia, một năm anh chị về hai ba lần, vào 2 dịp Lễ nghỉ dài ngày hoặc vào dịp Tết.
Do công việc bộn bề, anh chị về quê coi như tranh thủ thời gian, vậy nên chăm ngủ hơn ăn. Đến bữa cơm, mẹ tôi lại tất bật đi chợ, rồi về nấu cho con dâu và con ruột ăn. Nhiều khi lại sợ chúng nó không vừa miệng.
“8:30 sáng: Mẹ mua bánh cuốn rồi, dậy ăn đi, bảo cả vợ mày dậy nữa
Con biết rồi”
“30 Tết cúng xong trên này con về nhé.
Mày có về thì về sớm, mùng 1 người ta kiêng.
Con biết rồi... tút ... tút ... tút”
Ấy thế mà... 5 năm trôi qua thật nhanh, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Năm vừa rồi lại có cháu, con được về thường xuyên hơn, mục đích để ông bà đỡ nhớ.
Câu chuyện về thế hệ hiện đại và bậc cha mẹ thế hệ trước hẳn không còn xa lạ, nó có thể làm người ta đau buồn, day dứt, cũng có thể dẫn đến những hiểu lầm và khoảng cách, bất đồng, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Và trong hoàn cảnh ấy, nếu không biết thông cảm cho nhau, nếu không hiểu cho nhau, mọi chuyện dễ trở nên sai lệch, tình cảm cũng dễ bị hủy hoại.
Có lẽ ai cũng hiểu rằng 'mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh’, ba mẹ tôi chưa bao giờ trách móc con cái, ông bà kiên quyết không bám lấy con mà chỉ mong con luôn sống tốt và khỏe mạnh.
Ấy thế nhưng, nhìn lại gia cảnh ngôi nhà chỉ có 2 ông bà, lầm lũi ra vào sớm hôm. Rồi lại lam lũ làm việc. "Vì không làm lại sinh lo. Thà làm để thấy khoẻ hơn". Mẹ tôi từng nói thế, những đứa con lại chạnh lòng.
Cha mẹ thương con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày. Câu chuyện kể trên vẫn còn là nỗi khó khăn mà một trong những gia đình như chúng tôi gặp phải. Tôi mong rằng sau đó, chúng ta sẽ có cách tốt hơn, quan trọng nhất là trân trọng những tình cảm yêu thương sẵn có và hiện tại còn ở bên mình.