Tôi lấy chồng vì muốn trở thành một người vợ, người mẹ chứ không phải osin. Vì vậy, trước những lời mà bố mẹ chồng nói, tôi không nghe lọt lấy một lời.

Tú Anh (TH) 23:59 07/01/2023

Bố mẹ chồng tôi là người tri thức, đạo mạo, nhà chồng từ thời các cụ đến ông nội anh đều là những nhà Nho học bác uyên thâm. Chồng tôi cũng làm trong một cơ quan danh giá. Mấy lần về chơi gia đình anh, tôi rất thích không khí đầy văn hóa truyền thống của nhà chồng. 

Đêm tân hôn, sau những giây phút nồng nàn, tôi chìm vào giấc ngủ trong vòng tay ấm áp của chồng. Khi tôi còn buồn ngủ ríu cả mắt thì cửa phòng vang lên tiếng gõ dồn dập. "Em dậy đi, mẹ gọi em đấy", chồng nói xong quay sang bên cạnh ngủ tiếp. Tôi tìm đồng hồ xem giờ thì giật mình thấy có 4h sáng. 

Ảnh minh họa: Internet

 

Khi tôi vệ sinh cá nhân xong ra phòng khách đã thấy bố chồng ngồi bệ vệ ở vị trí chủ vị, còn mẹ chồng ngồi bên cạnh. Tôi vừa ngồi xuống, bố chồng uy nghiêm lên tiếng, nghe đến đâu tôi tái mặt đến đấy:

- Con cũng biết rồi, nhà này là nhà có nề nếp gia phong chứ không phải nhà bình thường vớ vẩn úi xùi như người ta. Con dâu nhà này phải có quy củ. Trước đó bố mẹ chưa nói vì con chưa chính thức cưới hỏi, bây giờ nghe bố mẹ nói rồi sau này thực hiện cho tốt.

Bố chồng tuyên bố mỗi sáng tôi phải dậy từ 4h để làm việc. Đầu tiên phải lau dọn từ đường vì bố chồng tôi là con trưởng, sau đó về quét dọn nhà ở, rồi đến sân vườn. Mấy công việc đó làm nhanh thì cũng mất cả tiếng đồng hồ, đến 5h sáng rồi. 

Quét tước, dọn dẹp xong, tôi phải nấu nước nóng bê vào phòng ngủ cho bố mẹ chồng ngâm chân. Ông bà có tuổi cần ngâm chân mỗi sáng để bảo dưỡng >sức khỏe. Sau đó thì tôi vào bếp nấu nước pha trà xanh, têm trầu đồng thời nấu bữa ăn sáng cho cả nhà. 

Xong việc trong bếp sẽ mang nước ấm cho bố mẹ chồng rửa mặt, rồi dọn dẹp phòng ngủ của ông bà. Tiếp đến là mời chồng và bố mẹ chồng đi ăn sáng, đợi mọi người ăn xong thì rửa dọn đâu ra đấy rồi đi làm. "Nhà này không cổ hủ bắt con phải nghỉ việc nhưng con cần sắp xếp công việc nhà chồng hợp lý, cái đó tùy thuộc vào sự khéo léo và đảm đang của con", bố chồng nói.

Tối về nhà tôi lại làm một lượt các công việc từ nấu nướng, dọn dẹp đến giặt giũ, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khắt khe tỉ mỉ vô cùng. Bố chồng là đức cao vọng trọng nên ông ăn bát đũa, dùng đồ riêng, tôi phải ghi nhớ không được để lẫn với người khác. Đồ ăn của ông phải mới tinh, đồ ăn thừa từ bữa trước để người khác ăn.

Còn ti tỉ những cái phép tắc mà tôi cần ghi nhớ đến mức nhiều quá tôi nghe ù cả tai không nhớ nổi. "Những năm qua đều là mẹ đảm trách vai trò ấy nhưng bây giờ đã có con, mẹ trao lại phần trách nhiệm này cho con", mẹ chồng lúc này mới nhẹ nhàng nói một câu. 

Trong thời gian nghe bố mẹ chồng lên tiếng, tôi im lặng tỏ ý tôn trọng, đồng thời suy nghĩ nhanh hướng đi cho bản thân. Bố chồng nhìn là biết không thể thay đổi được, mẹ chồng cũng mấy chục năm làm như vậy nên quan điểm ấy đã ăn sâu vào máu của bố chồng thậm chí là chồng tôi. Còn tôi có muốn biến mình thành một người như mẹ chồng không, tất nhiên là không rồi!

Ảnh minh họa: Internet

 

Tôi quyết đoán lên tiếng: "Dạ thôi con nghĩ nhà mình nên tuyển ôsin về thì đó mới là những công việc phù hợp với họ, chứ con là con dâu mà! Nhưng bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý nhé, người giúp việc làm từ sáng sớm đến tối đêm thì lương không rẻ đâu ạ. Còn bây giờ con xin phép về nhà ngoại luôn, dù sao con với anh ấy chưa đăng ký kết hôn nên mọi chuyện không khó".

Không đợi chồng dậy, tôi về nhà mẹ đẻ luôn. Bố mẹ tôi sốc lắm, ban đầu cũng can ngăn, khuyên nhủ nhưng thấy tôi kiên quyết thì đành chịu. “Uyên thâm” kiểu như nhà chồng tôi tới mức coi con dâu chẳng khác gì người ở thì tôi xin mang tiếng một đời chồng còn hơn! 

Nếu tái hôn vào làm dâu một gia đình “úi xùi” như lời bố chồng cũ nói, thế nhưng họ yêu con quý cháu, cưng con dâu như con gái thì tôi còn hạnh phúc hơn vạn lần! Các chị em cho ý kiến xem tôi hành động như vậy có đúng không? 

Tú Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe