10 năm kiên quyết nuôi con ngoài giá thú, bố tôi không ngờ biết sự thật này khi vào những ngày cuối đời.
“Làm chính thất mà chả có địa vị thực”, “Chồng nuôi phòng nhì mà bất lực buông xuôi”, “Xưa cũng xinh gái nhà giàu thế mà lại bị chồng khinh rẻ”, “Tỏ vẻ kiêu sa thế thôi chứ đêm nào chả khóc vì chồng ở với gái”...
Đó là những lời lẽ cay nghiệt mà mẹ tôi phải nghe và chịu đựng suốt gần 10 năm qua. Anh em tôi thì từ lâu đã không quan tâm đến lời đàm tiếu của thiên hạ, song mẹ tôi hiền lành nên bà không bỏ ngoài tai được. Tính mẹ rất nhạy cảm nên hay tự nhốt mình trong phòng. Sáng sớm tôi nằm trên tầng 3 nghe tiếng thở dài bên cửa sổ phòng mẹ. 1h khuya đi chơi về muộn, tôi lại thấy tiếng nức nở vụn vỡ lẫn trong màn đêm cô đơn…
Hôm nay lướt Facebook thấy nhiều bạn bè share một mẩu chuyện mà tôi bật cười. Sao mà người mẹ trong mẩu chuyện ấy giống mẹ của tôi thế!
20 năm làm vợ làm mẹ, bà sống trong nhung lụa nhưng trái tim thì đầy những tổn thương. Ông ngoại tôi là một phú thương nổi tiếng trong vùng, còn bố tôi từng là phụ tá của ông. Thanh xuân non dại, vì mến sự hài hước của chàng phụ tá nghèo mà mẹ tôi quyết tâm cưới. Mặc kệ ông bà phản đối “đũa mốc chòi mâm son”, bố tôi trao cho mẹ đúng 1 bó hoa và chiếc nhẫn vàng rồi 2 người dọn ra ngoài ở.
Sau khi mẹ sinh anh trai tôi ra thì nhà ngoại chịu thua, chấp nhận cho bố tôi ở rể vì chỉ có 1 mụn con gái duy nhất. Ông cho bố tôi quyền quản lý kinh doanh nhưng làm gì cũng phải xin phép. Họ hàng bên ngoại khinh bố ra mặt, sau lưng xì xào chê gốc gác nhà quê, nói bố tôi tham lam nên mới lừa tiểu thư nhà giàu. Quá quắt hơn là đúng ngày ông ngoại mất, bà ngoại gọi bố tôi là thứ “trai gầm chạn” khiến bố nổi giận.
Có lẽ uất ức tủi nhục dồn nén nhiều năm đã làm bố tôi mờ mắt. Bố công khai cặp bồ với cô lễ tân trong chính công ty mà ông ngoại để lại, ngang nhiên dắt 1 đứa bé gái về rồi bắt anh em tôi phải nhận là em út.
Bà ngoại gây sự ầm ĩ lên bắt bố phải ly hôn, nhưng đương nhiên ông không nghe lời. Mục đích của bố chỉ là chọc cho ngoại tức điên, trả thù cho những tháng năm bị coi thường xúc phạm. Tôi thương bố nhiều lắm, nhưng thực tâm vẫn không chấp nhận nổi những việc ông đã làm.
Sau khi ông ngoại mất thì thái độ của bố với gia đình cũng khác hẳn. Bố to tiếng quát nạt mọi người nhiều hơn, lạnh nhạt với mẹ và công khai đối đầu với bà ngoại. Hóa ra bố cũng lén gom góp khá nhiều tài sản, trước giờ mẹ tôi cũng không quản lý tiền của bố nên ông ngang nhiên chu cấp cho “tiểu tam”.
Căn nhà đứng tên mẹ còn ô tô đứng tên bố, tiền bạc mỗi người 1 nguồn thu nhập riêng. Thế là cuộc sống trong nhà tôi đảo lộn, mẹ như cái bóng lặng lẽ chăm sóc cho 2 anh em tôi còn bố thì 1 tuần về 1 lần như ở khách sạn. Tôi xót xa lắm. Ngôi nhà to như thế, giàu sang đẹp đẽ bao người ước mơ như thế. Vậy mà thiếu đi thứ quan trọng nhất, đó là tình cảm gia đình…
Hồi đầu mẹ tôi sốc lắm, bà hay lôi xấp ảnh cũ ra rồi đắm chìm trong hạnh phúc quá khứ. Thi thoảng nhân tình của bố nổi hứng trêu ngươi, gọi điện nhắn tin cho mẹ tôi để khoe được bố cung phụng. Mẹ chỉ im lặng cho qua nhưng 2 anh em tôi đều ngứa mắt không chịu nổi. Tôi kéo mẹ đi du lịch nhiều hơn, anh trai thì nấu ăn, mua quà tặng mẹ, ở bên cạnh trò chuyện với mẹ suốt.
Dần dà nỗi đau cũng nguôi, mẹ tôi đối với bố như 2 người vô hình. Kể ra thì mẹ cũng đáng thương, thời trẻ thì bị gia đình ngăn cấm yêu đương phải lập nghiệp tay trắng, 40 tuổi thì gánh chịu thị phi oan ức. Họ từng bất chấp tất cả để thề hẹn trọn đời với nhau, vậy mà chẳng hiểu sao bố nỡ đối xử với mẹ như thế chứ?...
Bẵng đi 10 năm trời, gia đình tôi đã quen với cảnh trái ngang. Anh em tôi trưởng thành trong gai góc nên đứa nào cũng già dặn hơn tuổi. Bố bắt đầu rèn luyện anh trai để tiếp quản công ty gia đình, còn tôi được mẹ lên kế hoạch cho du học thạc sĩ. Cô nhân tình và đứa con gái nhỏ cũng sống biết điều hơn, không quậy phá làm phiền mẹ tôi nữa. Chỉ cần bố tôi chu cấp tiền đều đặn mỗi tháng là cô ta yên phận. Đứa nhỏ không có tên bố tôi trong giấy khai sinh, nhưng điều đó quan trọng gì khi nó đã quen với việc ăn sung mặc sướng.
Mọi thứ tưởng chừng đã quay theo quỹ đạo mới, nhà tôi tách làm 2 thế giới khác nhau. Nhưng đùng một cái bố tôi lên cơn đau tim! Sau khi nhập viện cấp cứu, ông lại nhận thêm tin sét đánh ngang tai là đã mắc ung thư giai đoạn cuối. Mẹ tôi đang uống trà thì nhận được điện thoại từ thư ký của bố. Bà chỉ khựng lại một chút, rồi gương mặt trở về tĩnh lặng như nước hồ.
Tháng trước sinh nhật bố. Ông đón tuổi 55 trong bệnh viện, với sự góp mặt đủ đầy của 2 vợ và 3 con. Buổi thổi nến kỳ quặc ấy diễn ra trong không khí ngột ngạt. Bố tôi phá tan sự khó chịu của mọi người bằng việc tuyên bố di chúc sớm. Tôi biết thừa ông định cho nhân tình 1 nửa tài sản, nhưng không ngờ món hời béo bở chưa kịp gọi tên đứa con ngoài giá thú thì mẹ tôi đã tặng ông một gói quà chí mạng.
Bà ung dung đặt lên bàn tập hồ sơ buộc ruy băng đỏ rất lịch sự. Ngón tay đeo nhẫn kim cương sáng lóa đẩy “món quà” về phía bố. Anh em tôi cũng hồi hộp vì không biết đó là gì. Chắc là mẹ bí mật chuẩn bị cho bố, nhưng họ đã không nhìn mặt và nói chuyện suốt thời gian dài, lẽ nào vì bố bệnh nên mẹ đã mủi lòng tha thứ?
Và không, chúng tôi đã nhầm. 10 năm cao thượng là quá đủ, cuối cùng thì mẹ tôi đã ra tay!
Bố rút tờ giấy bên trong ra bằng bàn tay cắm đầy kim chằng chịt. 5 giây sau mặt ông cứng đờ, con ngươi rút lại vì choáng váng. Đó là tờ xét nghiệm ADN. Kết quả ghi rõ rằng 99,8% bố tôi không có quan hệ huyết thống với đứa con gái út! Tôi phải lấy tay bịt miệng vì sốc, da đầu tê rần trước sự thật kinh hoàng này.
Ồ hay chưa, cô tiểu tam run rẩy sợ hãi, quỳ sụp xuống bên cạnh bố tôi! Còn xin xỏ được gì nữa, vở kịch đến đây là kéo rèm rồi! Bố tôi ôm ngực gục xuống, chắc ông muốn khóc mà chả nặn ra nổi giọt nước nào. Mẹ tôi không nói nửa lời nào cả, bà xách túi đứng dậy đi luôn, bỏ lại đằng sau hương nước hoa ngọt ngào mà bố từng mua tặng.
Vậy là mẹ tôi kết thúc cuộc hôn nhân đen tối trong vinh quang. Bà đã tự âm thầm chứng minh mình là một chính thất không hề “hữu danh vô thực”.
Cái kết của mẩu chuyện trên Facebook hôm nay hơi khác với cái kết do mẹ tôi định ra một chút. Nhưng cơ bản thì cũng đều hả hê như nhau!