Tôi tưởng Vi nói đùa, nhưng tới lúc chuyển khoản thì cô em lạnh lùng nói: "Trả em đủ, không thiếu 1 xu nhé!".
Vợ chồng tôi làm buôn bán nhỏ, từ năm ngoái đến nay cũng lao đao vì dịch bệnh như bao người khác. May là xoay sang mở siêu thị mini nên chúng tôi vẫn có ít thu nhập đủ để nuôi 2 đứa con. Khổ thì cũng khổ thật, mất mát bao nhiêu thứ, nhưng đổi lại tôi cũng nhận ra được một số bài học thấm thía, lại còn được sáng mắt nhìn rõ bản chất của vài người xung quanh.
Gia đình tôi hiện đang sống riêng nhưng vẫn ở chung phần đất với bố mẹ chồng, chung cổng ra vào và 2 nhà chỉ cách nhau 1 khoảng sân. Bố mẹ chồng tôi ở với con gái út, cô ấy năm nay 28 tuổi nhưng vẫn chưa kết hôn. Tính cách cô ấy khá lạnh lùng, xa cách và nói chuyện cộc lốc, song cơ bản thì mối quan hệ của tôi với em chồng vẫn tốt, không có mâu thuẫn bất hòa gì.
Thường ngày cô em chồng đi làm nên tôi cũng ít tiếp xúc, chỉ khi nào sang ăn cơm chung thì mới nói chuyện vài câu. Cô ấy làm kế toán cho một công ty, tôi hay thấy cô ấy ở phòng trên tầng 2 thức khuya làm việc. Nghĩ em chồng chăm chỉ nên tôi nể phục cô ấy lắm, hay bảo con trai lớn rằng sau này phải học tập cô út không được lười biếng.
Năm nay con trai tôi vào lớp 1, mấy tuần trước biết tin lũ trẻ phải học online thì tôi đã lo lắng vì nhà không có máy tính. Các cửa hàng điện máy không mở, chẳng biết phải mua ở đâu để con có thiết bị học hành, vợ chồng tôi đăng lên mạng hỏi mua lại máy tính cũ. Cô em chồng liền nhắn tin ngay lập tức, bảo có chiếc laptop cũ ít dùng từ hồi sinh viên nên muốn bán lại.
Vợ chồng tôi chạy sang nhà bố mẹ ngay lập tức để xem chiếc laptop ấy thế nào. Cô út lên phòng xách máy xuống, để trong túi vải bọc khá cẩn thận. Có vẻ như cô ấy giữ gìn chiếc máy tính chu đáo nên hình thức cũng không đến nỗi, khởi động nhanh và dùng cũng ổn. Bố mẹ chồng tôi xúc động kể cách đây 10 năm ông bà vất vả tích cóp mãi mới mua được cho con gái chiếc laptop, cô ấy mang nó đi học rồi đi làm, giờ có tiền rồi cô ấy tự mua chiếc máy tính khác xịn hơn mới hơn.
Ngắm nghía một hồi xong thấy cũng ổn, tôi bảo chồng mua luôn cho con để kịp dự lễ khai giảng online. Nghĩ máy cũ nên em chồng sẽ bán rẻ, nào ngờ cô ấy im lặng một lúc rồi báo giá khiến cả nhà sững sờ.
- Em bán 8 triệu anh chị nhé.
Chồng tôi giãy nảy lên kêu ngày trước mua mới thì máy cũng chỉ hơn 10 triệu, dùng chục năm rồi bán lại lấy 8 triệu thì hơi quá. Cô em gái mặt vẫn lạnh tanh, bảo máy vẫn chạy tốt, dùng giữ gìn nên chưa hỏng chưa thay cái gì, 8 triệu là giá quá rẻ. Tôi cố xuống giọng năn nỉ, mong cô em nghĩ lại giúp mình.
- Vi này, cháu nó cũng chỉ dùng máy tính để học, hàng cũ rồi em có thể bớt cho anh chị tầm 4-5 triệu được không. Tiền mặt hiện tại anh chị cũng không đủ vì không ra ngoài rút được, để chị chuyển luôn cho em nhé.
Mẹ chồng tôi cũng lên tiếng nói đỡ hộ:
- Con bán thì lấy giá người nhà thôi, ai lại lấy giá cao thế hả Vi. Đáng lẽ ra con thừa máy thì cho cháu nó mượn học, chứ anh chị hỏi mua rồi sao con nỡ đòi tận 8 triệu.
Vi vẫn im lặng không nói gì, ngồi lâu quá tôi thấy ngại nên rút điện thoại định chuyển khoản trả 4 triệu luôn. Ngờ đâu Vi liếc thấy tôi nhập số tiền, cô ấy đứng dậy khoanh tay nói giọng lạnh lùng:
- Trả em đủ, không thiếu 1 xu nhé!
Tưởng Vi nói đùa, tôi hoang mang nhìn sang chồng để cầu cứu. Anh xã cũng bối rối hỏi lại cô em gái xem bớt được ít nào không. Chẳng ngờ Vi lại tỏ vẻ khó chịu, giật lại chiếc laptop rồi quay đi:
- Người nhà thì cũng phải mua bán đàng hoàng, nó là cái máy tính chứ có phải mớ rau đâu mà mặc cả. Em bảo nó đáng 8 triệu thì anh chị phải trả đủ, làm gì có chuyện bớt hẳn 1 nửa đi như thế. Em không bán nữa, anh chị về đi.
Tôi vừa giận vừa ức, nửa muốn xuống nước xin lỗi cô em chồng để lấy máy tính về cho con. Nhưng thái độ của cô ấy thực sự quá đáng, thà 8 triệu ấy tôi mang đi mua cái máy tính mới còn hơn! Chồng tôi cũng giận tím mặt, không nói gì bỏ về luôn. Ruột thịt cùng một nhà với nhau mà lại tính toán như vậy, lẽ nào cô em chồng cần tiền đến mức phải hét giá cắt cổ cho một món đồ cũ?
Tôi nên nhịn em chồng rồi thuyết phục nó bớt thêm 1-2 triệu, hay là thôi cho con học bằng điện thoại hả các mẹ?