Nghĩ con 'ăn ốc đổ vỏ', con dâu đã phải chịu tai tiếng cùng lời nói cay đắng của gia đình nhà chồng.
Ngày Thanh bước chân về nhà chồng thì cái thai trong bụng chị cũng đã được 5 tháng tuổi.
Ngoài sự hoài nghi về cái thai thì ông bố chồng khó tính còn cho rằng chị đã đưa con trai ông vào bẫy. Mặc dù, chính chồng chị đã nhiều lần giải thích rằng họ yêu nhau chân thành, một tình yêu không vụ lợi nhưng chẳng ai tin.
Bởi, anh đẹp trai, con nhà giàu, công ăn việc làm ổn định còn chị đúng chất gái quê, lương kiếm được cũng chỉ đủ sống. Và điều gay gắt nhất chính là việc chị hơn anh đến 3 tuổi.
Sống trong nhà anh, chị luôn bị mang tiếng là ăn bám. Đến giọt máu của anh chị cũng bị lôi ra bàn tán: Chắc gì đã phải cháu nhà này, cẩn thận không “thằng ăn ốc đứa đổ vỏ”.
Biết là không ai ưa, nhưng vì yêu anh, thương con chị đã ngậm bồ hòn làm ngọt. Chị nghĩ, phận đàn bà ai cũng khổ trăm bề, thiệt đủ chuyện nên chị mặc kệ.
Đến ngày cu Bon ra đời, bố chồng chị phán một câu: Sao không thấy nó giống đứa nào nhà này vậy.
Từ ngày đó, ông nội chẳng bao giờ bế cháu. Có lần, chị đang cho con ăn trong phòng thì nghe được bố mẹ chồng chị nói chuyện với nhau “Thời buổi này chẳng biết đằng nào mà lần, tốt nhất bỏ ra ít tiền đưa nó đi xét nghiệm ADN cho chắc ăn. Không lại nuôi gà cỏ”.
Nghe xong chị tối mặt mũi, không nghĩ bố mẹ chồng lại nghĩ ra được việc như vậy. Chị chỉ biết im lặng, ôm cu Bon khóc. Chị không biết phải giải thích hay nói như thế nào cho bố mẹ chồng hiểu?
Không phải chỉ có chị Thanh mà còn rất nhiều người phụ nữ khác luôn phải sống trong sự nghi kỵ của gia đình nhà chồng khi lỡ “ăn cơm trước kẻng”. Có thể, những lời nói không đủ để thuyết phục niềm tin nên họ đành lôi con cháu đi xét nghiệm ADN và cho rằng đấy là cách duy nhất để chứng minh.
Nói chuyện về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển Học viện Báo chí ) cho hay: “Xét nghiệm ADN là một bước tiến văn minh nó cần thiết và quan trọng trong xã hội hiện đại. Nhưng trong một số trường hợp nhất định chúng ta mới cần đến nó. Còn trường hợp nào tế nhị thì nó gây tổn thương cho tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả giữa vợ chồng, bố mẹ và đặc biệt là đứa nhỏ”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, vấn đề là thử ADN tế nhị, nếu làm khéo thì không sao nhưng nếu không làm khéo sẽ dẫn đến sự khủng hoảng, khi ấy gia đình không còn hạnh phúc. Dù là sau khi xác định ADN rõ đấy có phải con cháu mình không thì nó gieo rắc một mối hoài nghi từ đó gia đình trở nên nặng nề. Trẻ nhỏ khi ít tuổi mà mong manh biết điều đó sẽ áp ảnh suốt cuộc đời sau này vì nó cho rằng trong quan hệ gia đình có những khủng hoảng, hồ nghi như thế thì bản thân nó cũng không còn tin vào cuộc sống nữa.
Trẻ con chúng thay đổi khuôn mặt rất nhanh, nay giống người này nhưng mai lại giống người khác. Nếu không tin hãy hỏi thẳng con trai mình. Chỉ có bố đứa bé mới biết được điều đó đúng hay sai.
Có thể việc làm của ông bà là dứt khoát để tránh sự day dứt, dằn vặn và nghi kỵ cả đời. Nhưng, hành động đó sẽ khiến người con dâu để tâm để rồi khi uất ức hiện lên liệu con dâu còn đủ tôn trọng với bố mẹ chồng, đủ yêu thương bố mẹ chồng như trước đây.
Có rất nhiều trường hợp cứ khăng khăng đưa nhau đi xét nghiệm ADN để rồi phải nhận hậu quả đáng buồn. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu con dâu quả quyết thì bố mẹ chồng hãy nên thử tin một lần.
Hôn nhân sẽ ra sao nếu những thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau. Bởi, con cái là niềm hạnh phúc, là sự sống của bố mẹ. Vì tình yêu thương vô bờ bến của mình và hơn hết là vì huyết thống, bố mẹ khó có thể bỏ tất cả vì con cái. Vì vậy, người con dâu không thể đặt cược tất cả cho tương lai của con mình được.
Mỗi người hãy nên nhớ, xét nghiệm ADN là điểm đen của mỗi gia đình nhưng chính cuộc sống hiện đại đã đẩy một số người đến suy nghĩ đó. Hãy nhớ, hãy đưa con cái đi xét nghiệm ADN khi thật sự thấy cần thiết. Vì phía sau phòng xét nghiệm chúng ta đều nhận ra tình người thật phũ phàng.