Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân mình sẽ khổ như thế này sau khi lấy chồng.
Mặc dù nhà chồng và bố mẹ đẻ tôi đều thuộc cùng thế hệ U55 nhưng tư tưởng mỗi bên cực kỳ đối ngược. Trong khi bố mẹ tôi thì hiện đại, lúc nào cũng hướng về những thứ tích cực, thậm chí không ngại đổi mới, thì bố mẹ chồng sống cực kỳ cổ hủ, lạc hậu. Nhà chồng kinh tế khá giả, chẳng hề khó khăn gì, tôi thấy thật lạ vì đến việc đọc tin tức trên điện thoại cũng là thứ xa vời với họ.
Nói vậy là đủ hiểu bố mẹ chồng cổ hủ nhường nào. Trước khi lấy chồng, tôi cũng đắn đo nhiều. Chồng tôi hiền lành, ít nói, anh sống cũng đơn giản. Đó là những đặc điểm của người đàn ông tôi có thể dựa dẫm. Song nếu kết hôn với anh, tôi sẽ phải chấp nhận rằng mình không thể hòa hợp cùng bố mẹ chồng.
Đặc biệt chồng tôi còn là con trai duy nhất trong nhà, bố anh cũng là con trai duy nhất của dòng họ. Tôi thực sự áp lực mỗi lần nghĩ tới chuyện phải gánh vác trách nhiệm sinh con trai nối dõi. Nhưng để từ bỏ một người đàn ông đâu dễ dàng vậy, nhất là khi chúng tôi đã bên nhau gần 5 năm trời.
Cuối cùng, vượt qua những nỗi sợ hãi, tôi vẫn về chung một nhà với anh. Chúng tôi lấy nhau giữa năm 2020. Sau đó ít tháng, tôi nhận được "tin vui", đây là điều vô cùng tốt lành với cả gia đình.
Chồng tôi khi ấy bảo, nếu con đầu là con trai thì vợ chồng không cần đẻ thêm, anh cũng lo tôi chịu đau không tốt. Chỉ cần một đứa con trai là đủ hoàn thành nghĩa vụ với bố mẹ. Chồng tôi cũng chia sẻ thật anh thấy cái tư tưởng ấy đã cũ kỹ nhưng vì muốn báo đáp công ơn của bố mẹ nên vẫn chấp thuận nghe theo.
Thời gian mang thai, tôi được chồng khuyên nghỉ việc ở nhà dưỡng sức. Mẹ chồng cũng giúp đỡ nhiệt tình trong các công việc nhà, chẳng mấy khi tôi phải động tay vào thứ gì. Về khoản kinh tế, chồng tôi có thể gánh vác rất vững vàng. Bố mẹ đẻ cũng bảo nếu thiếu thốn gì thì nhắc hai ông bà giúp đỡ.
Tôi sinh con đầu lòng vào tháng 6 vừa rồi, là một bé gái xinh xắn và đáng yêu. Nhưng cũng từ khoảnh khắc đó, tôi thấy mẹ chồng đã thay đổi nhiều thái độ. Cũng không biết liệu có phải do tôi đa sầu đa cảm hay không. Bà ấy không còn ngọt ngào, hỏi han tôi nữa. Thậm chí với cháu bà, bà cũng chẳng hồ hởi bế ẵm. Vì tôi muốn sinh hoạt thuận tiện hơn nên xin về nhà đẻ để được bà ngoại chăm sóc tốt hơn. Mọi người bên nhà chồng cũng đồng ý.
Về phía chồng tôi, anh cũng vui vẻ không bộc lộ dấu hiệu bất thường nào. Tôi cứ ngỡ từ bây giờ có thể thở phào nhẹ nhõm, cho tới khi mẹ chồng gọi điện nhắn nhủ vài câu.
Ban đầu bà chỉ hỏi han bình thường, nhưng sau đó xuống giọng và nói là khi nào >sức khỏe tôi ổn định lại thì mau chóng tính đến chuyện sinh con thứ hai. Mẹ chồng còn dặn dò lần hai phải thực sự cẩn thận, tính toán trước sau sao cho đẻ con trai. Bà còn nhắc lại bà chỉ có một người con trai duy nhất, tôi là dâu trưởng cũng cần để tâm tới trách nhiệm của mình.
Thực sự sau cuộc gọi đó, trong lòng tôi thấy trĩu nặng. Tính đến thời điểm này, vì giãn cách nên tôi vẫn chưa gặp lại chồng và gia đình bên ấy. Tôi chỉ biết tâm sự cho mẹ đẻ, bà ấy cũng tức giận, định gọi sang mẹ chồng nói khó vài câu. Nhưng tôi kịp ngăn lại vì không muốn lớn chuyện.
Tôi đã định rằng khi con cứng cáp hơn, bản thân cũng khỏe trở lại thì sẽ đi làm ở công ty mới, dành nhiều thời gian với bạn bè. Từ ngày lấy chồng, tôi đã phải hạn chế khá nhiều các cuộc vui tụ tập. Nhưng sống với một người mẹ chồng cổ hủ, tôi luôn cảm thấy ngộp thở, khó chịu. Giờ đây, bà còn dồn ép tôi thêm trách nhiệm sớm sinh con trai nữa, làm tâm trí tôi không một giây nào được vui vẻ yên ổn. Tôi rất muốn nói với chồng để giãi bày, chỉ sợ anh luôn đứng về phía bố mẹ mình. Tôi còn lo lắng rằng, nhỡ thai sau vẫn là con gái, thì còn đối điện với biết bao mâu thuẫn trong nhà khác nữa. Thực sự quá mệt mỏi và áp lực...