Thế mà mới đây chồng Hạnh đột ngột bảo cô nghỉ việc ở nhà để chăm mẹ chồng ốm. Bố chồng cô đã mất, mẹ chồng vẫn ở quê một mình.
Hạnh đã kết hôn được 6 năm và có một cậu con trai 4 tuổi. Mức lương hiện tại của cô là 30 triệu/ tháng, thi thoảng có thêm thu nhập ngoài. Trí - chồng cô lương kém hơn, chỉ 10 triệu/ tháng nhưng Hạnh bảo cô chưa bao giờ coi thường chồng vì điều đó.
Thế mà mới đây chồng Hạnh đột ngột bảo cô nghỉ việc ở nhà để chăm mẹ chồng ốm. Bố chồng cô đã mất, mẹ chồng vẫn ở quê một mình. Tháng trước bà đi khám phát hiện bị u xơ tử cung cần phẫu thuật, vợ chồng Hạnh quyết định đưa bà lên thành phố chữa bệnh. Sau khi khỏe lại bà muốn ở với con cháu hay về quê tùy ý muốn của bà.
Trước ngày đón mẹ chồng lên, chồng Hạnh lại bảo vợ tạm thời xin nghỉ việc vài tháng ở nhà chăm sóc mẹ chồng. "Đó là nghĩa vụ làm dâu, phận sự dâu con em phải thực hiện", Trí khẳng định chắc nịch khiến Hạnh phẫn nộ.
"Xã hội bây giờ nào phải như xưa, nếu tôi ở nhà chăm con tất nhiên tôi sẵn sàng chăm sóc mẹ chồng. Nhưng tôi đang làm việc yên lành lại xin nghỉ vài tháng, công ty có phải cái chợ đâu mà muốn nghỉ là nghỉ. Nghỉ rồi có người vào thế chỗ mình thì lúc ấy biết kêu ai? Chưa nói công việc của tôi rất bận, nghỉ vài ngày còn phải cố gắng nói gì đến vài tháng vắng mặt!", Hạnh bức xúc nói.
Tất nhiên cô cự tuyệt thẳng thừng yêu cầu của chồng. Hạnh đưa ra phương án thế này: Cô sẽ xin nghỉ 3 ngày ở trong viện với mẹ chồng, sau đó vợ chồng Hạnh thuê người có chuyên môn chăm sóc bà những ngày còn lại ở viện cũng như khi đã về nhà. Ngày cô đi làm, tối về cô sẽ túc trực bên cạnh mẹ chồng.
Hạnh thiết nghĩ như thế là ổn thỏa nhưng Trí đùng đùng nổi giận, mắng Hạnh "không biết đường làm dâu", "con dâu bố láo không tự tay chăm mẹ chồng còn đùn đẩy, trốn tránh"... thôi thì đủ thứ chướng tai. Trí khăng khăng Hạnh phải nghỉ làm ít nhất 2 tháng, đợi mẹ chồng khỏe hẳn mới được đi làm lại.
Hạnh tâm sự, cô nghĩ lại nhiều chuyện từ trước tới giờ mà chán chường vô cùng. Lương chồng chỉ có 10 triệu nhưng tháng nào cũng trích 5 triệu gửi về cho mẹ chồng dù bà vẫn có lương hưu. 3 triệu anh giữ tiêu vặt, 2 triệu anh đưa vợ chi tiêu trong nhà, thừa thiếu bao nhiêu anh mặc kệ. Hạnh lương cao hơn lại chẳng muốn so đo tính toán với chồng nên cô vẫn thấy hài lòng với điều đó trong những năm qua. Hiện giờ cô đã hiểu ra bản chất và lối suy nghĩ thật sự của chồng mình. Trong mắt Trí chỉ có bản thân và mẹ anh ta mà thôi!
"Tôi lúc ấy chẳng thấy bực bội nữa mà bình thản vô cùng, có lẽ sau khi trải qua cảm giác thất vọng triệt để thì tâm trạng sẽ biến thành như vậy. Tôi nhẹ nhàng đưa cho chồng quyết định bổ nhiệm thăng chức của mình kèm lá đơn ly hôn vừa viết vẫn còn nóng hổi", Hạnh chia sẻ.
Cô đưa cho chồng 2 tờ giấy đó rồi nói thế này: "Tôi không đời nào bỏ qua công việc này đâu, tôi còn vừa được thăng chức cơ mà. Tiền giúp tôi gánh vác cả gia đình và sống tốt những năm qua. Lúc này không có tiền mới chết chứ thật sự không có chồng vẫn chẳng hề hấn gì mấy đâu. Anh nhắm không chấp nhận được thì ký đơn luôn đi mai tôi đi nộp ngay. Sau đó anh có thể kiếm cô vợ khác biết làm con dâu hiếu thảo và anh sẽ được lo toan cho cả nhà!".
Trí chẳng cần nghĩ cũng biết với mức lương 10 triệu của mình làm sao lo được cho cả nhà, mẹ anh ta còn đang bệnh tật. Việc bắt ép vợ nghỉ làm chỉ là một hành động được voi đòi tiên khi đã quen "bắt nạt" vợ của anh ta mà thôi. Trí còn nghĩ Hạnh giỏi giang như thế kể cả bị đuổi việc vẫn có thể nhanh chóng kiếm được nơi khác. Ngờ đâu Hạnh "rắn" ngoài sức tưởng tượng, Trí đành phải xám xịt cúi đầu.
"Mẹ chồng lên chữa bệnh, tôi thực hiện đúng như đề xuất tôi đưa ra ban đầu. Sau chuyện này tôi nhận ra mình không nên quá 'dễ dãi' với chồng nữa, chẳng những không nhận được sự cảm kích, ghi nhận nào còn khiến chồng càng ích kỷ và quên đi nghĩa vụ của anh ta đối với gia đình", Hạnh mỉm cười cho hay.