Thương nhẫn nhịn chồng mãi nhưng đến hôm nay thì cô không thể nào "nuốt nước mắt vào trong" được nữa.
Thương lấy Duy đến nay cũng đã được 3 năm. Hai vợ chồng mới chỉ có với nhau một bé gái kháu khỉnh, đang chập chững tập nói, tập đi.
Duy làm tư vấn >bất động sản còn Thương thì mở tiệm tạp hóa tại nhà để tiện chăm con. Vì nhà cô cũng được lộc buôn bán nên khá đông khách, nhất là vào 4-7 giờ chiều.
Duy thì đi làm cứ hết giờ là về nằm khểnh. Còn Thương vừa lo toan việc nhà, chăm con rồi lại bán hàng. Thời gian làm việc của Thương còn nhiều hơn người đi làm văn phòng, cứ 4-5 giờ là Thương đã dậy lo cơm nước cho chồng đi làm, đến 11-12 giờ đêm khi Duy lên giường đi ngủ từ lâu thì Thương mới xong xuôi mọi việc.
Tuy nhiên Thương thường quán xuyến việc nhà rất giỏi nên dù có vất vả cô cũng chẳng bao giờ phàn nàn. Duy cứ đi làm về là Thương đã chuẩn bị bữa tối xong tươm tất rồi.
Nhưng bữa nay Thương bị ốm. Cả người cô mệt mỏi, đầu óc quay cuồng. Cửa hàng mở ra cũng đông khách vào ra nên hầu như cả sáng Thương không được nghỉ ngơi.
Đến chiều mệt quá Thương đành đóng cửa hàng sớm và nhắn tin cho chồng nhờ anh mua thuốc hộ, nhưng Duy đọc tin nhắn mà không nhắn lại.
Đến tầm 7 giờ Duy về. Anh về đến nhà thấy điện chưa bật tối om om, Duy lớn giọng: "Thương ơi sao không bật cái điện lên, nhà cửa để bừa bộn hết thế này".
Vào đến nhà thấy vợ vẫn còn nằm trên giường, Duy lại quát lên: "Sao giờ này đã đi nằm, không dậy mà cho con ăn với với tắm rửa cho nó đi chứ".
Thấy chồng gắt gỏng, Thương nhỏm thều thào: "Em mệt quá, chắc bị cảm rồi anh ạ".
"Cảm cái gì, có dậy mà đón con không để nó ở lớp thế cô trả thêm tiền cho người ta coi chắc?" - Duy gay gắt.
Thương cũng hơi nóng tính gắt lại: "Anh lại nhìn cái nhiệt kế xem em nói dối hay nói thật".
Duy vẫn xồn xồn: "Ốm tí cũng nằm bẹp trên giường rồi, dậy, dậy nhanh. Đón con xong về còn nấu cơm. Tôi đói lả người rồi đây".
Thương thở dài: "Em không dậy được, người em vẫn chóng mặt lắm. Đứng còn không vững đi làm sao được mà đón con. Nay anh đi đón con 1 hôm, gọi đồ ăn ngoài 1 bữa đi".
Cô nói có vậy mà Duy nổi khùng lên: "Tôi có vợ mà phải gọi cơm quán à? Cô xem thế có chấp nhận được không. Cả ngày ở nhà mà không nấu nổi bữa cơm, viện cớ là ốm. Ốm ăn như cô tôi cũng ốm được".
Thương tức quá phản pháo lại: "Anh nói thế mà nghe được à?".
Duy mở nồi cơm thấy bên trong vẫn chưa cắm, anh liền văng nồi ra giữa bếp rồi gầm lên: "Vợ với chả con, thuê ô sin còn hơn cưới loại vợ như mày".
Thương đứng ngay chỗ đó, bị nồi cơm điện quăng đúng vào chân đau điếng. Đến lúc này thì không thể nhịn được nữa, cục bực tức của cô đã dâng lên đến tận cổ. Sẵn tiện đang đứng cạnh giá để bát, Thương cũng hất tung nó xuống đất, vỡ tan tành.
Cô nghiêm nghị: "Tôi nhịn anh quá lâu rồi đấy. Hôm nay tôi ốm chứ không phải trốn việc. Ngày nào anh về đến nhà cũng đã có cơm bưng nước rót nên chắc anh quen thân đi. Con năm nay cũng đã gần 2 tuổi nhưng có hôm nào anh phải tắm cho nó, cho nó ăn rồi đưa đón nó đi học không?
Anh chỉ biết hàng tháng đưa tiền là xong nhưng anh nghĩ số tiền đó đủ để tôi lo toan hết cho cái nhà này?
Anh nói muốn thuê ô sin thay tôi chứ gì? Được, anh cứ tìm được con nào chịu thay thế vị trí của tôi thì tôi nhường luôn, còn cảm ơn chẳng hết.
Ô sin đi làm còn có tiền, có ngày nghỉ. Nhưng anh xét xem hơn 3 năm qua tôi đã có ngày nào nghỉ ngơi, hay ở nhà vẫn luôn chân tay từ sáng đến tối?
Anh sướng không biết đằng sướng. Tôi nhịn nhục đủ điều cũng để cho cái nhà này yên ổn, nhưng anh thì sao? Cảm thấy không sống được với người ăn hại như tôi thì viết đơn đi tôi ký".
Nói xong Thương bỏ về phòng nằm rồi mặc kệ chồng. Cô đã quá mệt mỏi với việc làm như con ô sin trong nhà rồi. Quá chán ghét việc không được tôn trọng nữa.
Tuy nhiên màn phản ứng hiếm hoi của Thương lại khiến chồng suy nghĩ. Duy nhận ra mình đã quá vô tâm với vợ khiến cô phải nổi đóa lên như vậy. Anh lặng lẽ dọn sạch mâm bát bị đổ vỡ rồi lẳng lặng đón con và nấu cơm thay vợ.