Xa chồng lâu tôi rất nhớ anh nên sau đó tôi đã âm thầm tới chỗ làm thăm chồng. Sức khỏe của mẹ chồng tôi dạo này đỡ hơn, mẹ có thể chăm sóc con trai tôi được nên tôi cũng an tâm phần nào mà đi.
Năm 22 tuổi, tôi được một người họ hàng giới thiệu cho Huấn để làm quen. Anh sống ở làng bên, làm nghề thợ mộc và hơn tôi 3 tuổi. Thực ra trước đây Huấn học rất giỏi, thi đỗ đại học nhưng vì nhà nghèo không có điều kiện đi học nên tốt nghiệp cấp 3 Huấn đã đi học nghề thợ mộc của người trong làng.
Vì tính tình thật thà, ngay thẳng, chất phác nên anh được nhiều người quý mến lắm. Cũng vì tính đó mà tôi đã đem lòng yêu anh. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi tiến đến hôn nhân.
Bố mẹ chồng đã ly hôn từ lâu, Huấn sống với mẹ nên sau khi cưới chúng tôi vẫn sống cùng bà để tiện bề chăm sóc. Mẹ chồng tôi là người nhân hậu, đối xử với tôi rất tốt nên mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hòa thuận, dường như chẳng xảy ra xích mích gì bao giờ.
Hai năm sau khi kết hôn, tôi sinh được một cậu con trai. Sự xuất hiện của em bé khiến gia đình thêm trọn vẹn, lúc nào trong nhà cũng tràn ngập tiếng cười đùa vui vẻ. Thế nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, khi con trai tôi được 6 tháng tuổi thì mẹ chồng đột nhiên đổ bệnh, phải nhập viện làm phẫu thuật.
Sau một ca phẫu thuật, tiền trong nhà cũng cạn hết tới nỗi tôi phải hỏi vay bố mẹ đẻ tiền để đi chợ, lo chạy cơm từng bữa. Tuy nhiên sau phẫu thuật mẹ chồng vẫn phải uống thuốc điều trị tiếp, thi thoảng phải tới bệnh viện tái khám và thu nhập từ nghề thợ mộc của Huấn căn bản không đủ để chi trả.
Sau 2 tháng gồng gánh chống đỡ, tôi thực sự lo lắng cho cuộc sống sau này. Con nhỏ, mẹ ốm, đồng lương ít ỏi thì chúng tôi biết phải sống ra sao đây. Giữa lo lắng bộn bề, một đêm Huấn bỗng bàn với tôi:
- Anh quyết định rồi, anh sẽ lên thành phố làm việc. Tiền lương ở thành phố cao hơn so với ở nhà nhiều, em chịu khó ở nhà chăm con và mẹ giúp anh, mỗi tháng anh sẽ gửi tiền đều về cho em.
Dù không muốn Huấn đi xa nhưng hoàn cảnh ở nhà không cho phép tôi từ chối. Vậy là Huấn khăn gói lên thành phố làm việc. Bẵng cái mà Huấn đã đi biền biệt 2 năm chưa về nhà, con thì lớn lên từng ngày nhưng chỉ thấy mặt Huấn qua điện thoại. Tôi và mẹ rất nhớ Huấn, nhưng khi thì vướng dịch bệnh, khi thì vé đắt đỏ khó mua, chỗ làm lại chẳng được nghỉ dài ngày nên Huấn không về nhà.
Biết Huấn cũng có cái khó nên tôi không phàn nàn gì, chỉ mong anh làm việc thì chú ý giữ gìn >sức khỏe, đừng ốm là được. Mỗi tháng Huấn sẽ gửi về cho tôi 20 triệu, cứ đầu tháng là chồng gửi, chưa tháng nào trễ cả.
Xa chồng lâu tôi rất nhớ Huấn nên sau đó tôi đã âm thầm tới chỗ làm thăm chồng. Sức khỏe của mẹ chồng tôi dạo này đỡ hơn, mẹ có thể >chăm sóc con trai tôi được nên tôi cũng an tâm phần nào mà đi. Tôi lần theo địa chỉ chồng bảo mà tìm, đó là một công trường ở ngoại thành, ngoài cổng có một chú bảo vệ nên tôi tiến tới hỏi thăm tin tức về chồng.
Vừa đưa ảnh Huấn ra, chú ấy đã nhận ra chồng tôi ngay rồi nhiệt tình đưa tôi vào tận nơi, vì công trường rất rộng lại chia thành nhiều khu khác nhau chú sợ tôi đi một mình sẽ bị lạc. Vừa đi chú vừa kể rất nhiều chuyện về chồng tôi.
- Huấn là đứa siêng năng nhất ở đây đấy. Nó làm nhiều việc lắm, việc nặng nhọc người khác không muốn làm nó cũng nhận làm. Ngày lễ ngày Tết người ta nghỉ hết, nó vẫn miệt mài làm để nhận tiền tăng ca, tiền thưởng vì mấy ngày đó lương cao gấp 3. Cho nên nó gần như là đứa có lương cao nhất ở đây đấy, hiếm có đứa nào mà chăm chỉ, chịu khó được như nó.
Nhưng làm việc nhiều quá mà giờ nó gầy đi nhiều, người thì nhỏ nhỏ mà không biết lấy đâu ra lắm sức để làm thế không biết nữa. Con gái à, nhà con thiếu tiền, nợ tiền người ta à? Nhưng cho dù vậy đi chăng nữa thì cũng không thể liều mạng kiếm tiền như vậy được, làm quần quật cả ngày không nghỉ, người sắt cũng chẳng chịu nổi đâu.
Từng lời của chú bảo vệ như từng nhát dao đâm vào tim tôi vậy. Số tiền hàng tháng Huấn gửi về đều là mồ hôi và máu chồng tôi đánh đổi mà có…
Tôi leo lên đến tầng thứ 7 thì thấy Huấn . Anh đang ngồi trên sàn nhà ngổn ngang đầy nguyên vật liệu, trên tay cầm một mẩu bánh mì, ăn muối vừng trong lọ, người thì bám đầy xi măng, bụi gỗ. Nhìn cảnh này tôi không khỏi xót xa, nước mắt lăn dài xuống má.
Huấn thấy tôi đến thì sững sờ, ngạc nhiên lắm. Tôi chạy tới ôm chầm lấy Huấn, vừa khóc vừa mắng:
- Anh nói dối, anh lừa em. Không phải anh nói anh đang làm việc rất tốt, công việc nhàn nhã lắm, anh sống tốt lắm mà. Tại sao anh lại bán mạng làm việc như thế chứ? Nhỡ anh ốm thì em biết làm sao bây giờ?
Huấn siết chặt lấy tôi, không ngừng nói lời xin lỗi. Hai năm không phải dài nhưng phải xa người mình yêu thương thì quãng thời gian đó đối với tôi như ngàn năm vậy. Lúc nào tôi cũng muốn ở bên chồng, muốn chăm sóc cho Huấn, nấu cho anh những bữa cơm ngon nóng hổi, trong nhà có già trẻ vui đùa. Tôi khuyên chồng về quê làm nhưng anh không chịu, anh muốn ở đây làm thêm 1-2 năm nữa, kiếm thêm chút vốn rồi về quê mở xưởng gỗ. Tôi thương chồng mà không biết phải làm thế nào, chỉ biết động viên, an ủi và nhắc anh giữ gìn sức khỏe mà thôi.