Gõ nhẹ gọi không có ai trả lời, tôi bèn đẩy cửa ra thì phải bủn rủn chân tay với cảnh tượng trước mắt. Chị dâu tôi đang ngồi bệt dưới sàn nhà, tóc tai rũ rượi, quần áo xộc xệch, vẻ mặt phờ phạc, đáng nói là trên tay chị ấy đang cầm một con dao nhỏ.

Dư Hoài (TH) 20:44 30/01/2023

Chị dâu tôi mới sinh con cách đây 20 ngày. Anh chị kết hôn 2 năm trước, đây là đứa con đầu lòng của hai người. Bố mẹ tôi mất cả rồi, việc chăm chị và bé đều nhờ cậy phía nhà ngoại. Tôi có hai đứa con nhỏ quấn chân, hôm chị sinh thì con tôi lại ốm nằm viện nên tôi chưa lên với chị và cháu được. 

Hôm kia tôi để con cho chồng trông, quyết định lên chơi với chị dâu 2 ngày. Tôi đã gọi điện trước cho anh trai, anh bảo mình đang đi công tác. Đến nhà anh chị thấy cửa không khóa trong, tôi đi thẳng vào phòng ngủ vì chị dâu và cháu chắc hẳn ở trong đó. 

Gõ nhẹ gọi không có ai trả lời, tôi bèn đẩy cửa ra thì phải bủn rủn chân tay với cảnh tượng trước mắt. Chị dâu tôi đang ngồi bệt dưới sàn nhà, tóc tai rũ rượi, quần áo xộc xệch, vẻ mặt phờ phạc, đáng nói là trên tay chị ấy đang cầm một con dao nhỏ. Một tay cầm dao, mắt chị nhìn vào cổ tay còn lại như muốn làm điều dại dột. Cháu tôi thì đang nằm trên giường say ngủ. 

Tôi hoảng hốt vội lao đến giật ngay con dao trên tay chị. Chị dâu lúc đó mới hoàn hồn tỉnh lại. Vậy vừa nãy chị rơi vào trạng thái tâm lý thế nào mà tôi gọi cửa cũng không hề hay biết? Tôi sợ hãi hỏi chị định làm gì, chị dâu lắp bắp bảo không định làm gì hết, không sao cả, tôi đừng bận tâm. 

 
Ảnh minh họa: Internet

Nhưng tôi làm sao có thể yên tâm được sau khi chứng kiến cảnh tượng đáng sợ ấy. Dẫu vậy tôi có hỏi han thế nào chị dâu cũng nhất quyết không nói gì.

Lúc sau mẹ chị dâu đi chợ về, tôi hỏi chuyện bác thì được biết chị không ăn được nhiều, cũng ít sữa, hay im lặng buồn phiền. Có lần đang đêm bà nghe thấy chị dâu cãi vã với anh tôi rồi chị còn khóc nữa.

Ngủ lại với chị dâu một đêm, hôm sau tôi hỏi thẳng chị giữa anh chị có chuyện gì, nếu cần tôi giúp thì tôi luôn đứng về phía chị. Lúc này chị dâu mới bật khóc thú nhận là anh tôi đang >ngoại tình. Chuyến công tác này vốn anh có thể xin thay người khác nhưng vì cô người tình cũng đi nên anh nhẫn tâm bỏ vợ vừa sinh con chưa đầy tháng ở nhà. 

Hóa ra họ là đồng nghiệp, bắt đầu qua lại từ khi chị dâu có bầu được 6 tháng. Vì con, chị nhẫn nhịn để khuyên nhủ anh quay về nhưng anh ngày càng quá đáng. Không ngờ người anh tôi kính trọng lại có thể bạc bẽo vô lương tâm với vợ con như thế. 

Chuyện vợ chồng anh rõ ràng cần ngồi lại nói chuyện. Nhưng tôi cũng nhận ra chị dâu đã có những triệu chứng tâm lý bất ổn, có khả năng là trầm cảm sau sinh. Nhà tôi neo người chị dâu đã phải chịu nhiều thiệt thòi, vậy mà anh còn không đối xử tốt, bù đắp cho vợ. Chúng tôi có thể làm gì để giúp chị dâu vui vẻ, tâm lý ổn định trở lại?

Cách chăm sóc >sức khỏe tâm lý cho bà mẹ sau sinh 

Bên cạnh nỗi đau cơ thể, nhiều chị em phụ nữ cũng phải đối mặt với những vấn đề về tâm lý sau khi sinh. Dưới đây là một số cách mà bác sĩ khuyên gia đình và người chăm sóc có thể làm để phụ nữ tránh trầm cảm sau sinh. 

Gia đình luôn ở bên cạnh động viên

Sau sinh, nhiều phụ nữ gặp các vấn đề về sức khỏe, rất cần sự hỗ trợ và chăm sóc thường xuyên từ gia đình. Gia đình luôn ở bên động viên, tạo không khí vui vẻ sẽ cung cấp cho người mẹ mới sinh một nguồn lực và sức mạnh mà cô ấy cần để giải quyết mọi vấn đề. 

Ngoài ra, vợ chồng cũng nên trao đổi và phân chia trách nhiệm chăm con sao cho các bà mẹ cũng có thời gian thư giãn và ngủ. Người chồng cần chia sẻ, giúp đỡ vợ hết sức có thể, luôn ở cạnh vợ trong khoảng thời gian khó khăn này. 

Có một chế độ ăn uống tốt 

Một chế độ ăn uống tốt là điều cần thiết đối với một bà mẹ mới sinh vì họ cần phục hồi sức lực và sức chịu đựng đã tụt giảm khi sinh con. Gia đình cần đảm bảo các bữa ăn được nấu tươi, cân đối >dinh dưỡng và tốt cho tinh thần. 

Thư giãn tại nhà

Các bà mẹ có thể tập các bài tập đơn giản tại nhà và làm những việc mình yêu thích như đọc sách, ngồi thiền hoặc nghe nhạc êm dịu để thư giãn tinh thần. Khoảng thời gian ở một mình, được gia đình tạo điều kiện chăm bé giúp, có thể giúp ích rất nhiều trong việc mẹ mới sinh giảm bớt căng thẳng và lo lắng.

Nói chuyện với một chuyên gia tâm lý nếu cần 

Ngày nay, mọi người nhận thức rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm cả chứng trầm cảm sau sinh. Vì vậy, nếu gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe tâm thần, bạn đừng ngần ngại nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình và các chuyên gia y tế. 

Một số dấu hiệu phổ biến của bệnh tâm thần có thể bao gồm thiếu sự gắn bó với em bé, cảm xúc bộc phát đột ngột, khó ngủ và mệt mỏi. Nếu gia đình cảm thấy mẹ sau sinh không vui trong một thời gian dài và không có lý do cụ thể nào, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế vì nó sẽ giúp phụ nữ sau sinh đối phó một cách lành mạnh và hiệu quả hơn với chứng bệnh trầm cảm. 

Dư Hoài (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe