Tháng 12 âm lịch, tức tháng Chạp, thường được gọi là tháng củ mật. Trong tháng cuối năm này, mọi người cần làm gì để không phạm phải những kiêng kỵ?
Định nghĩa về '>tháng củ mật'
Tháng Chạp, hay còn gọi là "tháng củ mật", không chỉ là dấu mốc đánh dấu sự khép lại của một năm âm lịch mà còn là thời khắc chuyển mình, khi mọi nhà nô nức, hối hả chuẩn bị cho ngày Tết ngập tràn niềm vui và hy vọng.
Trên thực tế, “củ mật” không phải là loại củ nào cả. Đây là từ Hán Việt, trong đó “củ” có nghĩa xem xét, kiểm soát, như người xưa hay gọi là “củ soát”. Còn “mật” nghĩa là kín, khít, nghĩa là cẩn mật, không để lộ, để thất thoát.
“Củ mật”, hiểu đơn giản nghĩa là kiểm soát cẩn thận. Ngày xưa, đây là tháng rất dễ mất trộm, bởi mọi người bận rộn, mệt mỏi nên dễ lơ là. Tháng cuối năm cũng là tháng thu hoạch, ai buôn bán cũng thu tiền về, ai có tiền cho vay cũng đòi về, rồi mua bán sắm sửa mọi thứ đón Tết. Trong khi đó, bọn đạo tặc cũng tăng cường hoạt động để kiếm tiền tiêu ai không giữ gìn cẩn mật sẽ dễ trở thành nạn nhân của chúng.
Bước vào tháng Chạp, người dân thường làm gì để được may mắn?
Ngày mùng 1 đầu tháng Chạp, vẫn theo thường lệ, khắp nơi người người nhộn nhịp mua hoa tươi, trái cây ngon đẹp cùng các loại bánh dâng lên bàn thờ tổ tiên. Nhiều người còn chuẩn bị cả mâm cỗ cúng nhỏ để thể hiện lòng thành.
Đi chùa vào ngày mùng 1 hay ngày Rằm không còn là điều xa lạ đối với người Việt. Vào ngày đầu tiên của tháng, ngoài việc dâng lễ lên bàn thờ Gia tiên hay bàn thờ Phật, nhiều người còn lựa chọn bước chân vào chốn linh thiêng của những ngôi chùa cổ kính. Cùng với hương trầm nghi ngút, tiếng chuông chùa ngân vang, lòng người thành kính khấn nguyện, mong cầu cho một tháng mới tràn ngập niềm vui và hanh thông.
Mặc dù bước vào đầu tháng Chạp chưa phải thời điểm dọn dẹp nhà cửa "cật lực" hay trang hoàng nhà cửa để đón Tết, tuy nhiên trong ngày đầu tiên của tháng, việc dọn dẹp nhà cửa sẽ mang lại nguồn sinh khí tích cực. Loại bỏ những thứ cũ kỹ, bừa bộn để đón không gian sống, không gian làm việc được gọn gàng, ngăn nắp, từ đó mang lại nguồn năng lượng dồi dào, khỏe mạnh cho mọi người.
Những điều không nên làm trong tháng củ mật
- Kiêng vay mượn: Dân gian cho rằng vay mượn cuối năm không đem lại may mắn vì món nợ vắt sang năm mới sẽ báo hiệu một năm đen đủi, nợ nần ngập đầu, không ăn nên làm ra. Vì vậy nếu có nợ ai, người ta cũng cố gắng để trả hết trong năm cũ.
Theo quan điểm hiện đại, việc kiêng vay mượn trong tháng củ mật nên được hiểu là tránh gây phiền phức cho người khác, vì cuối năm ai cũng cần tiền để giải quyết công việc và sắm sửa có một cái Tết sung túc.
- Cẩn thận củi lửa: Tháng 12 âm lịch là lúc hanh khô nên dễ cháy, ngày xưa nhà và đồ dùng nhiều thứ dễ cháy nên cháy 1 chút là có thể cháy sạch nhà cửa, cháy sang nhà khác. Điều đó sẽ khiến đại họa vì một căn nhà dựng lên tốn kém vô cùng, cuối năm không có chỗ ở thì lại càng xui xẻo. Người xưa còn kiêng cuối năm không được ở nhờ người khác, chủ nhà cũng không cho người khác ở nhờ cuối năm.
Hơn nữa cuối năm là lúc nhiều bữa ăn uống, cỗ bàn, say sưa hoặc nấu nướng nhiều không cẩn trọng là dễ bị hỏa hoạn. Thời xưa hỏa hoạn là có thể mất sạch mọi thứ. Thời nay việc nhà cửa kiên cố hơn, nhưng sự cố hỏa hoạn vẫn vô cùng nguy hiểm.
- Lái xe sau khi uống bia rượu: Đây là điều kiêng kỵ mới được bổ sung trong hoàn cảnh sống hiện đại. Nếu lái xe sau khi uống bia rượu, bạn có nguy cơ bị công an ghi phạt và nguy hiểm nhất là có thể gây tai nạn giao thông, hại mình, hại người. Đây chắc chắn là vận đen lớn nhất đối với bất cứ ai trong tháng củ mật này.
- Cẩn trọng >sức khỏe: Tháng 12 là lúc bạn cần kiểm soát sức khỏe người thân và gia đình. Thời xưa tháng 12 cũng là lúc lạnh giá nên dễ bị suy giảm sức khỏe, rồi lại nhiều giỗ chạp nên phải thức khuya dạy sớm nhiễm lạnh vàng dễ bệnh.
Bởi vậy người xưa mới dặn kỹ con cháu tháng 12 là tháng phải kiểm soát cẩn trọng, không thì sẽ thành tháng mất mát lớn nhất trong năm. Trước thềm năm mới mà mọi thứ thành tro thì càng xui xẻo, kéo theo nhiều thứ đi xuống, tài vận hao tổn, sức khỏe sa sút.