Tết Trung thu là một dịp lễ đặc biệt của người dân Việt Nam. Vậy Trung thu 2023 vào ngày nào, nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu, bạn đã biết chưa? 

Nhi An (TH) 07:50 27/09/2023

Tết Trung Thu là gì? Bạn có biết, Tết Trung thu cũng được xem là một ngày Tết lớn trong năm. Vào ngày này, trẻ em thì được vui chơi, rước đèn, người lớn thì cùng nhau uống trà, ăn bánh Trung Thu, ngắm trăng….

Tết Trung thu 2023 rơi vào ngày nào?

Tết Trung thu còn có các tên gọi khác như tết Thiếu nhi, tết Trông trăng hay tết Đoàn viên, diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày rằm quan trọng đối với người Việt.

Trung thu 2023 rơi vào thứ Sáu, ngày 29/9 dương lịch. Ảnh minh họa: Internet

Trung thu 2023 rơi vào thứ Sáu, ngày 29/9 dương lịch. Tuy nhiên, dân gian thường bắt đầu các hoạt động vui chơi tết Trung thu như rước đèn, múa lân... từ ngày 14/8 âm lịch, nhằm ngày thứ Năm, 28/9/2023 dương lịch.

Nguồn gốc của ngày Tết Trung thu 

Theo tích xưa, tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm rằm tháng 8, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp 1 vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ.

Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.

Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh minh họa: Internet

Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.

Theo các nhà khảo cổ học, tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

Ý nghĩa Tết Trung thu

Tết Trung thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức phong cảnh, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Ngày này trời cao trăng sáng, rất thích hợp để xem thiên tượng, dự đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.

Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em vì các tập tục như thắp đèn, phá cỗ rất được các bạn nhỏ yêu thích. Ảnh minh họa: Internet

Dần dần Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em vì các tập tục như thắp đèn, phá cỗ rất được các bạn nhỏ yêu thích. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quý mến của cha mẹ đối với mình.

Đồng thời, ngày này cũng là dịp cho con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ, và cũng để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau. Người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Vì thế, tình yêu gia đình, tình làng xóm, tình thân hữu lại càng khăng khít thêm.

Tết Trung thu cũng là dịp cho con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ, và cũng để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau. Ảnh minh họa: Internet

Phong tục tốt đẹp này vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. Không những thế, với mỗi thời thế khác nhau thì ngày Tết Trung thu cũng có ý nghĩa phù hợp với từng giai đoạn.

Ngày nay, khi các gia đình nhỏ thường sống riêng, con cái thường đi xa để làm việc, nhịp sống trở nên gấp gáp hơn thì ngày Tết Trung thu chính là một dịp để mọi người trong gia đình cùng sum họp lại bên nhau. Bỏ qua những hối hả trong cuộc sống, tạm gác lại những bươn chải mưu toan, đêm Trung thu là đêm cả nhà cùng nhau trò chuyện, quan tâm và săn sóc cho nhau. Cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện phương xa, hay những chuyện vui nhỏ nơi quê nhà. Cứ như thế, Tết Trung thu dần dần trở thành ngày tết của gia đình, của tình thân.

Nhi An (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe