Dưới đây là 4 giả thiết khiến người dân xứ Phù Tang không bao giờ cắt móng tay, móng chân vào ban đêm.
Ở mỗi đất nước đều lưu truyền những điều >kiêng kỵ, và những điều này được truyền từ đời này sang đời khác. Ở Việt Nam, nhiều người tối kỵ việc chống 2 cây đũa thẳng đứng trên chén cơm, hay gõ đũa khi ăn vì mang đến điều xúi quẩy, vận rủi hay như không mặc đồ, nằm lại giường của người đã mất... Tại >Nhật Bản, một trong những điều kiêng kỵ đó là việc cắt móng tay vào ban đêm vì ở xứ sở Phù Tang, việc cắt móng tay có thể gây chết người. Dưới đây là một số giả thiết liên quan đến điều kiêng kỵ này.
Giả thiết 1: Tự kết liễu đời mình
Vào thời Edo (1603-1868), người Nhật vẫn chưa sáng chế ra dụng cụ cắt móng nên họ dùng dao hoặc những vật sắc nhọn để loại bỏ móng tay, móng chân. Thời đó, con người bận rộn với công việc đồng áng ban ngày và chỉ khi đêm đến, họ mới có thời gian chăm sóc bản thân, cắt tỉa móng tay, móng chân nhờ vào ánh sáng phát ra từ lửa hoặc "ông Trăng" trên cao. Con dao sắc nhọn, sự thiếu thốn ánh sáng cũng như vệ sinh không được đảm bảo đã trở thành "combo" nguy hiểm nếu con người lỡ tự làm bản thân bị thương và vết thương ấy có thể bị nhiễm trùng rồi dần dẫn đến cái chết.
Trải nghiệm đó của người xưa đã tạo thành lời khuyên dành cho hậu thế, rằng cắt móng tay ban đêm có thể gây chết người.
Giả thiết 2: Tuổi thọ bị rút ngắn
Giả thiết này được cho là khá mê tín, nó bắt nguồn từ chữ cắt móng tay, móng chân viết tắt trong tiếng kanji và phát âm nghe giống như: "Rút ngắn tuổi thọ". Thế là lời khuyên không cắt móng tay vào ban đêm ra đời, khiến người ta lo sợ tuổi thọ của bản thân sẽ bị cắt giảm, thậm chí còn chết trước cả bố mẹ mình.
Ngoài ra, giả thiết rút ngắn tuổi thọ còn có liên quan đến lời đe dọa cắt móng tay vào ban đêm là hành động triệu hồi cái chết. Thời xa xưa, khi con người còn cắt móng tay bằng ánh lửa, phần móng tay hoặc móng chân ấy nhiều khả năng sẽ bị rơi vào đống lửa tạo ra một thứ mùi hệt như mùi hỏa táng xác chết. Và đó là lúc con người vô tình gửi thông điệp đến Thần Chết, "mời" vị thần ấy đến tước đi mạng sống của họ.
Giả thiết 3: Thu hút hoặc chọc giận các linh hồn
Nhiều người tin rằng một phần linh hồn của con người tồn tại trong móng tay, móng chân. Vậy nên cắt bỏ chúng cũng đồng nghĩa với việc giải phóng linh hồn. Nếu người đó đang giận dữ, linh hồn được giải phóng ra sẽ thu hút những linh hồn xấu xa khác đến gây rối, tấn công hoặc khiến họ tìm đến cái chết.
Một giả thiết khác bớt rùng mình hơn là vào buổi tối, các linh hồn thường lang thang trên đường. Cắt móng tay, móng chân chính là hành động thả linh hồn buồn bã của bản thân ra thế giới bên ngoài và khiến cho màn đêm càng trở nên tĩnh lặng, trầm buồn hơn, ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của con người.
Giả thiết 4: Cho phép linh hồn xâm nhập vào cơ thể
Giả thiết cuối cùng cũng liên quan đến chuyện >tâm linh nhưng lần này, dụng cụ cắt móng chính là "thủ phạm". Nhiều người cho rằng dụng cụ cắt móng chứa đựng sức mạnh tâm linh cực kỳ lớn và nó có thể bảo vệ mọi người khỏi những linh hồn xấu xa, trừ khi con người sử dụng nó để cắt móng tay, móng chân. Những lúc đó, một lỗ hổng siêu nhiên sẽ được mở ra, cho phép linh hồn đang lang thang ở thế giới bên ngoài xâm nhập vào cơ thể người sử dụng. Từ đó, chúng sẽ ám ảnh con người và giành quyền điều khiển mọi thứ trong cuộc sống của người đó.
Những giả thiết trên chỉ là những lời đồn đại được nhân gian lưu truyền lại chứ không hề được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, đến tận ngày nay thì những giả thiết trên vẫn được nhiều người dân Nhật Bản tin và kiêng kỵ để tránh sự xui xẻo.