Cuối năm là thời điểm các gia đình thực hiện nghi lễ lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương. Sau đây là những điều đại kỵ khi lau dọn bàn thờ, bạn nhất định phải ghi nhớ.
Trong tín ngưỡng >tâm linh của người Việt, bàn thờ được coi là nơi linh thiêng và mang lại >sức khỏe, bình an, tài lộc cho gia chủ.
Hàng năm, vào thời điểm trước Tết, các gia đình thường tiến hành lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương nhằm bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên và các vị thần linh và mong ước một năm mới an khang thịnh vượng.
Lau dọn bàn thờ khi nào?
Có nhiều quan điểm cho rằng chỉ được lau dọn bàn thờ sau ngày ông Công ông Táo về chầu trời – ngày 23 tháng Chạp. Vì đây là thời điểm ông Công ông Táo tạm thời vắng mặt.
Tuy nhiên lau dọn bàn thờ khang trang sạch sẽ là cách để thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh, nên công việc này có thể tiến hành vào bất cứ lúc nào. Không nhất thiết phải tiến hành sau 23 tháng Chạp.
Do tục lệ của người Việt, năm mới phải đón những điều mới, nên thông thường các gia đình tiến hành lau dọn bạn thờ vào dịp cuối năm. Khi lau dọn bàn thờ, cần sự tập trung, kính cẩn và thành tâm nhất.
Người tiến hành phải là người đàn ông trong gia đình, ăn mặc nghiêm trang và thực hiện đầy đủ bài văn khấn vái trước, trong và sau khi lau dọn không gian thờ cúng quan trọng này.
Lau dọn bàn thờ đúng cách ra sao?
Có hai công việc chính mà gia chủ cần nhớ, đó là lau dọn bàn thờ trước, rút tỉa chân nhang sau.
Như đã đề cập ở trên, trước khi thực hiện nhiệm vụ tâm linh này, gia chủ nên tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, kín đáo. Sau đó, gia chủ dâng một mâm lễ tùy lòng thành, thắp nén hương xin các bậc thần linh và tổ tiên được dọn dẹp nơi thờ cúng, mời các ngài tạm lánh.
Chờ hương tàn mới tiến hành lau dọn. Dùng khăn sạch thấm nước hoặc nước gừng, lau cẩn thận, tỉ mỉ bài vị của thần linh trước, của tổ tiên sau. Tiếp theo quét dọn bụi bẩn và đặt bài vị vào chỗ cũ.
Công việc thứ hai là rút tỉa chân nhang. Lưu ý không xoay chuyển vị trí của bát hương để tránh bị động. Từ từ rút từng chân nhang và đặt vào vị trí sạch sẽ. Chọn 3,5,7 hoặc 9 cây nhang đẹp cắm lại vào bát hương.
Nếu muốn thay tro bát hương, cần dùng 7 tờ tiền vàng đối với bát hương thờ thần phật, 3 tờ tiền vàng đối với bát hương của tổ tiên để đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro mới vào.
Những lưu ý khi lau dọn bàn thờ
Lau dọn bàn thờ là việc làm rất quan trọng, mang yếu tố tâm linh, vì thế bất cứ một sai sót dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và vận may của gia chủ. Gia chủ cần lưu ý không phạm phải những điều sau khi lau dọn bàn thờ cuối năm.
Không làm đổ vỡ đồ thờ cúng
Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất, vì thế khi lau dọn cần nhẹ nhàng và cẩn thận. Người Việt tin rằng nếu đồ thờ cúng bị đổ vỡ, điềm xấu sẽ xảy ra.
Tỉa và đổ chân hương sai cách
Khi lấy chân hương, không được lấy ra hết mà phải để lại 3/5/7 hoặc 9 chân. Đặc biệt, không được vứt chân hương bừa bãi, mà mang đi đốt thành tro rồi thả xuống sông, hồ. Bên cạnh đó, tuyệt đối không được bỏ chân hương ở những nơi bẩn thỉu, làm vậy sẽ phạm phải điều xấu.
Di chuyển bát hương tùy tiện
Bát hương càng ổn định càng tốt, vì thế tránh di chuyển bát hương quá nhiều. Sự xê dịch bát hương được cho là sẽ mang đến những điều không tốt, thậm chí gây ra những điều xui xẻo.
Lau dọn bàn thờ không chỉ là nét đẹp trong văn hóa tâm linh mà còn thể hiện sự tôn kính của gia chủ với thần linh và tổ tiên. Hãy ghi nhớ những điều đại kỵ khi lau dọn bàn thờ, để nghi lễ này được thực hiện chu toàn và đầy đủ nhất.