Một trong những công việc quan trọng nhất vào những ngày cuối năm chính là lau dọn lư hương trên bàn thờ. Để gia đình có một năm suôn sẻ, thuận lợi gia chủ cần chú ý những điều dưới đây.
Vào dịp cuối năm, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, đặc biệt là khu vực bàn thờ để chuẩn bị đón một năm mới an lành và hạnh phúc. Theo >chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (TP.HCM), khi >lau dọn lư hương ở bàn thờ tổ tiên hay bàn thờ của các vị thần linh trong nhà, mọi người cần chú ý những điều sau:
Chọn ngày giờ tốt
Gia chủ nên là người lau dọn lư hương để thể hiện sự tôn kính với các bậc bề trên. Nếu muốn năm mới thuận lợi, làm ăn phát đạt thì bạn nên lau dọn vào những khoảng thời gian sau:
Tháng 12 âm lịch năm nay là tháng Ất Sửu nên mọi người tuyệt đối không dọn dẹp lư hương cũ vào ngày Tuất hay Hợi (tức 8, 9, 20, 21 tháng 12 âm lịch). Ngoài ra bạn cũng không nên chọn các ngày Dần, Mão, Thìn, vì đó là những ngày tam sát (tức 1, 12, 13, 14, 24, 25, 26).
Trong năm nay có 7 ngày tốt mà gia chủ có thể thu dọn lư hương: 3, 7, 11, 15, 19, 23, 27.
Với những người sinh năm Giáp, Mậu nên chọn ngày Sửu (11, 23). Nếu sinh năm Ất hoặc Kỷ thì chọn ngày Tý hoặc Thân (6, 10, 18, 22).
Gia chủ sinh năm Bính hoặc Đinh nên chọn ngày Dậu (ngày 7 hoặc 19). Tuy nhiên, với những người sinh năm Nhâm hoặc Quý phải chọn ngày Tỵ (ngày 3, 15 hoặc 27) để dọn dẹp. Còn với những người sinh vào Canh hoặc Tân thì chọn ngày Ngọ (ngày 4, 16 hoặc 28).
Cúng xin được di dời, dọn dẹp
Ngoài ra, chuyên gia phong thủy còn khuyên rằng trước khi dọn dẹp, gia chủ phải cúng xin được di dời, dọn dẹp. Đồ cúng nên chọn những món đơn giản hoặc thức ăn chay. Đặc biệt gia chủ phải đợi tàn nhang trong mâm cúng rơi hết rồi mới được tiến hành. Dùng khăn sạch, nước, rượu để chùi rửa lư hương, tuyệt đối không được dùng giẻ lau.
Tàn nhang trong lư hương cũ không được đổ bừa bãi mà nên thả trôi sông hoặc hòa vào cùng với nước rồi dùng bón cây.
* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.