Để chuẩn bị mâm cỗ cúng sáng mùng 1 Tết, chị em có thể lưu ngay một số gợi ý sau:

My My (t/h) 15:06 21/01/2023

Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán lại càng được coi trọng bởi đó là buổi sáng đầu tiên trong năm mới. Nên việc thờ cúng ngày mùng 1 Tết được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, để cầu mong cho một năm mới khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc cho cả gia đình.  

Ngoài việc sửa soạn lại ban thờ (thay trầu cau, nước…) thì các gia đình vẫn chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

 

Mâm cúng sáng mùng 1. Ảnh: Internet

Lễ mặn thường là cúng bánh chưng, gà, giò, canh… Người ta cũng thường kiêng sát sinh vào sáng mùng 1 Tết nên gà cúng của buổi sáng này thường được làm từ tối hôm trước.

Sau khi >mâm cúng mùng 1 Tết đã được sửa soạn tươm tất thì chủ nhà bưng lên bàn thờ, rồi tiếp theo lần lượt những người trong nhà ra trước bàn thờ vái lậy tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Hương tàn, chủ nhà lễ tạ, hạ cỗ xuống cho con cháu hưởng lộc.

Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết có gì?

Theo thông tin từ Báo Lao Động, vật phẩm cúng Mùng 1 Tết gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Tuỳ vào từng gia đình có thể làm cỗ mặn hoặc chay nhưng món ăn ngày Tết phải được chế biến thơm ngon, bày biện trang nghiêm. Tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, mâm cỗ truyền thống thường có “bốn bát sáu đĩa”, với nhà khá giả thì nhiều hơn (tám bát tám đĩa).

Mâm cúng mùng 1 Tết ở miền Bắc thường được bày biện bằng 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Những gia đình cầu kỳ hơn có thể làm 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa.

Bốn đĩa trong mâm cúng ở miền Bắc thường có 1 đĩa gà luộc, 1 đĩa thịt lợn, 1 đĩa giò lụa và 1 đĩa chả quế. Ngoài ra, gia chủ còn chuẩn bị một đĩa xôi gấc với mong ước năm mới đỏ tươi như màu gấc, mang đến nhiều may mắn.

Mâm cúng mùng 1 Tết được bày biện đủ món ngon. Ảnh: Internet

Bốn bát gồm: 1 bát chân giò hầm măng, 1 bát bóng thả, 1 bát miến dong và 1 bát mọc nấm thả. Chân giò phải được nấu bằng giò vừa nạc vừa mỡ, giữa bát còn có 1 miếng thịt ba chỉ vuông vức được khía làm tư, nở đều 4 góc.

Mâm cúng mùng 1 Tết ở miền Trung có đủ các món từ khô đến nước. Hầu hết là các món mặn, gia vị đậm đà như: nem lụi, bò nướng sả ớt, heo quay, gà quay, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim… Ngoài ra, mâm cúng còn có thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm, bánh tráng, rau sống cuốn, thịt gà trộn rau răm, vả trộn, măng trộn, mít trộn làm khai vị.

Mâm cúng mùng 1 Tết của người miền Nam đơn giản hơn và phụ thuộc nhiều vào kinh tế gia đình, thể hiện sự trù phú, màu mỡ của vùng miền, không quá chú trọng sự cầu kỳ.

Thông thường, mâm cúng sẽ có chả giò chiên, lạp xưởng tươi, gỏi gà luộc xé phay, thịt kho trứng, canh khổ qua, kiệu, bánh tét… Trong đó, hai món thịt kho trứng và canh khổ qua không thể thiếu trong mâm cúng ở miền Nam.

Bên cạnh mâm cúng mặn, nhiều gia đình chọn làm mâm cúng chay dâng lên tổ tiên vào ngày mùng 1 Tết. Một số món ăn thường được chuẩn bị như: rau củ xào chay, đậu hũ chiên, đậu hũ xào nấm, canh nấm chay, xôi…

Một số gia đình cúng cơm hằng ngày kể từ bữa tất niên cho đến khi hóa vàng tiễn đưa gia tiên. Trong trường hợp này, mâm cỗ chỉ cần bày biện đơn giản gồm cơm hoặc xôi, bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Trên bàn thờ, ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy.

Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Mâm cơm đầu tiên của năm mới không thể thiếu đĩa thịt gà trống thiến, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, xôi, nem rán, thịt đông, bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Ở miền Bắc, mâm cơm cúng không thể thiếu đĩa dưa hành.

Trong mấy ngày Tết, người Việt thường định sẵn lịch trình đi những đâu trong năm mới. Sáng mồng 1 Tết, sau khi ăn uống cỗ bàn xong, các gia đình thường dành ngày mồng 1 đến những thăm hỏi, chúc Tết người thân và bạn bè. Nhiều gia đình chọn đến chùa hoặc đền (phủ) lễ bái xin thẻ, xem việc cát - hung (tốt - xấu, may - rủi) cho cả năm.

Tuổi phù hợp xông đất năm 2023

Theo VTC News, gợi ý của chuyên gia phong thủy, trong năm mới Quý Mão 2023 có 4 tuổi rất tốt để xông nhà, mở hàng gồm Mậu Tuất (1958), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Tân Mùi (1991).

Ngoài các tuổi trên, gia chủ có thể lựa chọn các tuổi sau: Ất Mùi (1955), Mậu Thân (1968), Nhâm Tuất (1982), Quý Hợi (1983), Mậu Thìn (1988), Giáp Tuất (1994), Ất Hợi (1995), Mậu Dần (1998), Quý Mùi (2003).

My My (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe