Hàng năm, mỗi khi đến Rằm tháng 7 âm lịch, các gia đình lại tất bật chuẩn bị các mâm cỗ cúng để cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, gia đạo bình an.
Cũng vào ngày này, gia đình có dịp quây quần bên nhau, con cháu thắp hương thể hiện lòng thành kính nhớ đến ông bà tổ tiên, đấng sinh thành đã sinh ra mình trong phong tục truyền thống của dân tộc. Vào ngày Rằm này, các gia chủ cũng cầu nguyện để trong tháng không có tiểu nhân quấy phá, mong đến những điều may mắn, lộc làm ăn vượng phát hơn.
Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, các gia đình cần chuẩn bị 3 lễ cúng bao gồm: Lễ cúng Phật, lễ cúng gia tiên (cúng trong nhà) và lễ cúng cô hồn (cúng ngoài trời). Mâm cúng không cần quá cầu kì, tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi gia đình. Trong đó, các mâm cỗ chay để cúng Phật, mâm cỗ mặn cúng thần linh và gia tiên đặt trên bàn thờ trong nhà. Chi tiết cách chuẩn bị các mâm cỗ cúng như sau:
Cúng bàn Phật
Nhiều gia đình thường thờ Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tại gia. Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn đối với những người theo đạo Phật, cũng là ngày lễ Vu Lan. Đối với bàn cúng Phật thì các gia đình chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật và thường nên cúng vào buổi sáng.
Trên mâm cúng cần có hoa tươi, không dùng hoa dại, hoa giả để cúng trong Rằm tháng 7. Sau khi cúng, mâm cúng Phật thường sẽ được gia đình thụ lộc ngay tại nhà.
Cụ thể mâm cúng như sau:
- Xôi trắng hoặc xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi vò hạt sen đều được.
- Giò, chả chay.
- Nem chay hoặc nem rau nấm, nem hoa quả.
- Gỏi hoa chuối ngó sen, nộm rau củ.
- Canh nấm, canh rau củ hoặc canh bóng nấu chay.
- Đậu hũ non sốt nấm hoặc cải thìa sốt nấm hương.
- Hoa quả.
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khóa kinh (Kinh Vu Lan) để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
Cúng trong nhà
Cúng trong nhà hay còn gọi là cúng thần linh và gia tiên thường đặt ở dưới lễ cúng Phật.
Nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất, các món ăn tươi sạch, thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn tổ tiên gồm: trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến...có thể sử dụng bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng thay xôi, 1 bầu rượu, chè, trái cây và bình hoa tươi. Tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống để có thể chuẩn bị món chay hoặc mặn.
Chi tiết mâm cúng có thể chuẩn bị như sau:
- Một con gà luộc đầy đủ bộ phận.
- Xôi đỗ xanh hoặc xôi vò, xôi gấc, xôi dừa.
- Nem rán, giò lụa.
- Canh nấm mọc hoặc canh rau củ thập cẩm, canh sườn bí đao.
- Nộm gà xé phay hoặc nộm đu đủ bò khô, nộm hoa chuối.
Lễ vật cúng gia tiên gồm:
- Hoa tươi
- Trái cây
- Nước
- Rượu
- Hương
- Nến
- Quần áo, giày dép,… bằng giấy
Cúng ngoài trời
Cúng ngoài trời hay còn gọi là cúng chúng sinh hoặc cúng cô hồn với mục đích bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa. Mâm cỗ cúng thể hiện lòng nhân ái của người ở dương gian với những linh hồn lang thang, không nơi nương tựa, không người thăm cúng.
Lễ cúng chúng sinh nên được đặt ngoài sân, trước cửa vào nhà và thực hiện vào trước 12h ngày 15/7 âm lịch.
Mâm cúng chúng sinh (thường là đồ chay) bao gồm các lễ vật như sau:
- Muối gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong).
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ).
- Hoa quả.
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo (đều được bóc hết ra, sau khi cúng thì thả xuống sông bố thí cho loài thủy tộc)
- Tiền trần (là tiền thật, thường là tiền lẻ).
- 3 chung nước (hay 3 ly nhỏ ), nhang và nến.
Một số lưu ý khi làm lễ cúng rằm tháng 7
Để lễ cúng rằm tháng 7 được trọn vẹn nhất, gia chủ cần lưu ý:
- Về cơ bản, hãy nhớ một quy tắc rằng 'có gì cúng nấy', không cần quá phô trương hay cầu kỳ. Điều quan trọng đó là gia chủ thành tâm và mong muốn thể hiện sự cảm tạ chân thành của mình tới trời Phật, thần linh và tổ tiên là được.
- Lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên được làm vào ban ngày. Còn lễ bố thí cho các cô hồn thường được thực hiện vào buổi chiều tối.
- Không nên cúng chúng sinh bằng những món mặn vì theo quan niệm dân gian, điều này có thể khơi dậy lòng tham, sân, si. Phải đặt mâm cúng chúng sinh ở bên ngoài và trước cửa nhà.
- Rải tiền vàng phải để 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi hướng từ 3 – 5 cây hương. Sau khi làm lễ thì vãi ra sân, đường và đốt vàng mã.
- Sau khi gần hết 1 tuần hương thì tiến hành cúng hóa vàng ở một góc sân sạch sẽ theo thứ tự thần linh trước, gia tiên sau. Cụ thể khi hạ lễ đều phải vái 3 vái và khấn “gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân,… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
- Có thể thực hiện việc phóng sinh nhưng không bắt buộc phải thực hiện trong ngày rằm tháng 7 mà có thể thực hiện quanh năm, miễn là khi phóng sinh có suy nghĩ vô tư, trong sáng, thành tâm làm phúc là được.