Tết Trung thu đối với người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng là ngày lễ truyền thống quan trọng và có những điều kiêng kỵ đặc biệt trong ngày này.

Shin (t/h) 14:11 26/09/2023

Tết Trung thu vẫn luôn gắn liền với ý nghĩa gia đình cùng sum họp, quây quần với nhau bên mâm cỗ để thưởng nguyệt. Để có một lễ Tết đoàn viên, ấm áp và an lành nhất thì người xưa thường dặn dò con cháu nên cẩn trọng, tránh phạm vào những điều kiêng kỵ trong dịp lễ này.

Không mặc trang phục tối màu

Theo quan niệm dân gian vào ngày Tết Trung thu, không nên mang trang phục tối màu, đặc biệt là màu đen, màu xám vì dễ bị vận xui ám vào người. Màu sắc phù hợp nhất trong dịp tết Trung thu là màu đỏ, màu vàng.

Vào ngày Tết Trung thu nên mặc trang phục sáng màu để thu hút may mắn (Ảnh minh họa)

Trong phong thủ, màu vàng là màu Hoàng gia, đại diện cho sự sang trọng và lòng dũng cảm, sự thịnh vượng. Màu đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn và cuộc sống viên mãn lâu dài và hạnh phúc. Màu đỏ cũng rất phù hợp với không khí lễ hội ngày Tết Trung thu, mang đến sự linh thiêng sum vầy trong không gian sum họp gia đình.

Một số người không nên ra ngoài

Người xưa cho rằng, Rằm tháng 8 cũng là Tết Trung thu, trăng sáng nhất nên âm khí dễ vượng. Do đó, có thể sẽ đem lại những điều không tốt cho một số người.

Người bị ốm, cơ thể yếu ớt

Những người có thể chất yếu ớt được khuyên không nên ra ngoài những ngày này bởi trăng mang nhiều âm khí, có thể gây hại cho người đang ốm yếu. Những người này tốt nhất nên ở trong nhà, cùng gia đình đón Trung thu.

Trên thực tế, hiện nay đang là thời điểm nhiều dịch bệnh có xu hướng gia tăng như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết,... Việc tập trung đông người tại các địa điểm vui chơi Trung thu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người già và những người có sức đề kháng kém.

Người có vấn đề về sức khỏe nên hạn chế tới những địa điểm vui chơi Trung thu (Ảnh minh họa)

Người vừa chia tay

Những người vừa chia tay không nên một mình đi ngắm trăng vào dịp Tết Trung thu, đặc biệt là nam giới. Khi một mối quan hệ tan vỡ, tình cảm rạn nứt đã là dấu hiệu của sự xui xẻo, nếu ra ngoài vào đêm trăng sáng nhất, cũng là lúc âm khí vượng thì càng dễ dàng gặp những điều không may.

Với những người độc thân, người xưa thường dặn đeo dây cát tường màu đỏ hoặc vòng tay, lắc chân trong dịp Tết Trung thu theo nguyên tắc nam bên trái, nữ bên phải. Dây màu đỏ sẽ góp phần kích thích vượng vận cho sự đào hoa của mỗi người.

Mâm cỗ cúng Trung thu

Tết Trung thu gắn liền với hình ảnh trăng tròn, mọi thứ vẹn toàn. Vì vậy, trên mâm cỗ cúng không được dùng bánh trái, hoa quả có hình dạng méo mó, xấu xí để thắp hương. Đồ cúng phải được nguyên vẹn, đẹp đẽ thì phúc lộc mới được tròn đầy.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, khi cúng rằm tháng 8 nên đặt mâm cúng về hướng mặt trăng, đợi sau khi tàn hương thì hóa vàng rồi mới hạ mâm lễ xuống. Sau đó, gia đình và bạn bè cùng hưởng lộc.

Theo người xưa, đồ cúng Trung thu phải tròn đầy, nguyên vẹn, đẹp đễ để thu hút tài lộc (Ảnh minh họa)

Kiêng nói tục, chửi bậy

Các cụ ngày xưa quan niệm rằng “họa tòng khẩu xuất” tức là họa từ miệng mà ra. Nói chuyện không suy nghĩ, nói lời gây tổn thương với người khác sẽ gây ra hậu họa khó lường.

Vì thế, rất nhiều nơi xuất hiện tập tục kiêng kỵ nói tục, chửi bậy, nói lời khó nghe vào những những dịp quan trọng như lễ tết, ngày rằm, mùng 1, trong đó có ngày tết Trung thu. Điều này sẽ giúp con người có được sự vui vẻ, tốt lành, tránh được thị phi và những điều không may mắn.

Theo Phương Anh (T/H)/Gia đình Việt Nam