Theo phong tục dân gian trong ngày Tết Đoan Ngọ người dân thường làm những việc này để mang may mắn và bình an cho gia đạo.
Tết Đoan Ngọ ngày mấy?
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Đối với người Việt, đây là dịp lễ quan trọng. Vào ngày này, người dây sẽ chuẩn bị đồ lễ để cúng bái tổ tiên.
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ có nghĩa là giữa trưa). Còn dương là mặt trời, là dương khí, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc dương khí đang thịnh.
Theo thông lệ, vào ngày này thường dành để sum họp gia đình, con cháu đi làm xa cũng sắp xếp về với gia đình, quay quần bên mâm cơm để ăn mừng. Vì vậy trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường ăn những món ăn có ý nghĩa bài trừ những điều xấu xa, bệnh tật.
Những việc cần làm trong ngày Tết Đoan Ngọ để giúp gia đạo ấm êm
Thực hiện nghi thức diệt sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ
Người xưa quan niệm rằng, trong cơ thể con người, đặc biệt là hệt tiêu hóa thường có sâu bọ sống ký sinh. Nếu không tiêu diệt, những sinh vật này càng ngày càng sinh sôi nảy nở và làm hại con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 âm lịch. Vì vậy, vào ngày này, con người sẽ làm lễ trừ sâu bọ.
Theo quan niệm dân gian, con người sẽ diệt sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5 âm lịch.
Với người lớn, sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ rồi ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó, khi bước chân khỏi giường sẽ uống một ít rượu hoặc ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say. Tiếp đó sẽ ăn trái cây để diệt sâu bọ.
Trẻ em sau khi ngủ dậy sẽ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc để diệt sâu bọ. Sau đó mới bước xuống giường rửa mặt, đánh răng.
Tùy vào điều kiện của gia đình và phong tục địa phương mà nghi thức diệt sâu bọ trong ngày 5/5 âm lịch sẽ có sự khác biệt. Hiện nay, nghi thức này cũng đã được đơn giản hóa rất nhiều để phù hợp với lối sống hiện đại.
Cúng gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ
Cũng giống như các dịp lễ tết khác trong năm, vào ngày Tết Đoan Ngọ 5/5, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ để cúng gia tiên.
Mâm cỗ thường có hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả (như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối...), bánh tro, chè hạt sen...
Gia chủ nên cúng gia tiên vào giờ chính Ngọ, tức 12 giờ trưa. Nếu không thể sắp xếp được thời gian, gia đình có thể dâng lễ cúng vào khoảng 7-9 giờ sáng.
Tắm nước lá
Theo phong tục truyền thống, vào ngày 5/5, sau khi ăn cơm rượu để diệt sâu bọ, mọi người tắm bằng nước lá. Những loại lá thường được chọn là lá mùi, lá tía tô, kinh giới, sả, lá tre.
Người xưa cho rằng, tắm bằng nước lá để thải độc cơ thể, giúp con người có cảm giác khoan khoái, dễ chịu, thơm tho.
Thông tin bài viết mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!