Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã triệu tập một cuộc họp “khẩn cấp” để bàn về phương sách đối phó với sự bùng phát của vi rút Marburg chết người ở Châu Phi.
Đợt bùng phát đầu tiên của vi-rút Marburg ở Guinea Xích đạo đã khiến ít nhất 9 trường hợp tử vong, khiến các quan chức của WHO phải họp để thảo luận về tiến trình phát triển vắc-xin và các phương pháp điều trị tiềm năng.
Virus Marburg là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất được nhân loại biết đến. Theo WHO, nó gây ra bệnh sốt với tỷ lệ tử vong lên tới 88%. WHO cũng nhận định căn bệnh này giống như Ebola, được truyền sang người từ dơi ăn quả và lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể và các bề mặt như ga trải giường và quần áo của người bị nhiễm bệnh.
“Virus Marburg có khả năng lây nhiễm cao. Nhờ những hành động nhanh chóng và quyết liệt của chính quyền Guinea Xích đạo trong việc xác nhận căn bệnh này, chúng tôi có thể đưa ra các phản ứng khẩn cấp nhằm cứu sống người bệnh và ngăn chặn virus càng sớm càng tốt” - Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc WHO khu vực Châu Phi đã chia sẻ.
WHO cho biết các mẫu bệnh từ Guinea Xích đạo đã được gửi đến một phòng thí nghiệm ở Senegal để xác định nguyên nhân bùng phát dịch bệnh sau khi có cảnh báo từ các quan chức y tế địa phương. Cho đến nay đã có 9 trong số 16 ca nghi nhiễm đã tử vong với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, tiêu chảy và nôn ra máu.
Triệu chứng vi rút Marburg
Theo WHO, các triệu chứng đau phát triển nhanh chóng và bệnh nhân thường xuất hiện các dấu hiệu chảy máu mũi, miệng và các bộ phận cơ thể khác nghiêm trọng trong vòng bảy ngày.
Cơ quan y tế cho biết thêm rằng bệnh nhân cũng có các biểu hiện như mắt trũng sâu, biểu cảm trống rỗng và hôn mê cực độ nhiều ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Tử vong thường do nôn ra máu và có máu trong phân, chảy máu mũi, nướu răng và âm đạo.
WHO cho biết họ đang cử các chuyên gia y tế và thiết bị bảo hộ đến giúp các quan chức Guinea Xích đạo ngăn chặn ổ dịch. Ở nước láng giềng Cameroon, 1 trường hợp nghi ngờ đã được phát hiện vào tại Oramze, một đô thị giáp với Guinea Xích đạo và quốc gia này đã hạn chế di chuyển trong khu vực.
George Ameh, đại diện quốc gia của WHO tại Guinea Xích đạo cho biết: ''Việc giám sát tại hiện trường đã được tăng cường để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.''
Ông Ameh cũng chia sẻ thêm "Như bạn đã biết, theo dõi liên lạc liên lục là nền tảng trong phản ứng của chúng tôi đối với dịch bệnh. Việc triển khai lại nhóm giám sát COVID-19 đã có mặt để theo dõi liên lạc và cập nhập khẩn cấp rất có ích trong cách tình huống như thế này.''
Hiện tại không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi-rút được chấp nhận để điều trị Marburg, nhưng WHO lưu ý rằng "một loạt phương pháp điều trị tiềm năng" đang được xem xét như uống nước hoặc tiêm tĩnh mạch giúp cải thiện khả năng sống sót. Một số phương thức điều trị hiện đang được đánh gi khả quan bao gồm các cách liên quan đến điều trị máu, liệu pháp miễn dịch, thuốc và vắc-xin tiềm năng.
Ông Ameh cho biết: ''Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch ứng phó trong 30 ngày, khi đó chúng tôi có thể định lượng các biện pháp chính xác và định lượng nhu cầu chính xác là gì.''
Virus Marburg đã giết chết 90% trong số 252 ca nhiễm bệnh ở Angola vào năm 2004. Hai trường hợp tử vong cũng do bệnh Marburg đã được báo cáo ở Ghana vào năm ngoái. Loại virus hiếm gặp này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967. Vào thời điểm đó, một số khỉ bị nhiễm bệnh được nhập từ châu Phi đã gây ra các đợt bùng phát tại nhiều phòng thí nghiệm ở Marburg, Frankfurt (Đức) và Belgrade (thủ đô của Nam Tư khi đó, nay là thủ đô của Serbia), khiến 7 người tử vong.
Theo NewYork Post