Những ngày Tết cận kề, nhu cầu sử dụng rượu bia để liên hoan, tổng kết cuối năm,.... tăng cao. Các chuyên gia cảnh cáo người dân có thể “mất Tết” nếu quá lạm dụng rượu bia.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện dịp Tết
Gần đây, số ca nhập viện do uống rượu tăng cao. Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu cho 1 người đàn ông (54 tuổi) bị >viêm tụy cấp do uống nhiều rượu.
Người nhà cho biết, tối hôm trước ông uống nhiều rượu. Đến sáng 22/1, ông xuất hiện đau bụng thượng vị, lúc đầu đau âm ỉ, sau đó đau quặn dữ dội, ở nhà tự dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ phải đi cấp cứu.
Ngoài thói quen uống nhiều rượu, người đàn ông 54 tuổi này còn có thói quen hút thuốc lào nhiều, có tiền sử bệnh gan, tự dùng thuốc Nam ở nhà.
Khi vào viện, bệnh nhân môi khô, khát nước nhiều, có đau bụng thượng vị, bụng cứng, chướng căng, phản ứng thành bụng thượng vị. Kết quả X-quang ổ bụng cho thấy, bệnh nhân có nhiều hơi trong ổ bụng, còn kết quả CT ổ bụng cho thấy bệnh nhân bị viêm tụy cấp thể phù.
Hiện tại, bệnh nhân đang được các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị và chăm sóc, tiên lượng còn dè dặt.
Uống rượu bia gây nhiều bệnh hiểm nghèo
Cứ vào dịp từ cuối năm dương lịch đến qua Tết Nguyên đán, các bệnh viện lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu, viêm tụy cấp, xuất huyết dạ dày... do uống quá nhiều bia rượu. Hầu hết các bệnh nhân đều có "tiền sử" uống rượu bia quá đà trong tiệc tất niên, tiệc tổng kết năm, tổng kết nhóm, hội, tiệc mừng năm mới...
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu bia, mỡ máu đang tăng lên một cách đáng báo động.
Đặc biệt là gần Tết Nguyên đán, số ca nhập viện do viêm tụy cấp vì uống rượu quá đà gia tăng mạnh. Các bệnh nhân đều là "tín đồ" lâu năm của rượu và đến ngày cuối năm thì uống rượu liên miên vì các tiệc tổng kết, tất niên. Các bệnh nhân viêm tụy cấp đều rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, điều trị rất lâu dài, tốn kém, có ca lên đến hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, nhiều người không qua khỏi, mất Tết, mất mạng.
"Viêm tụy cấp thường khởi phát với cơn đau bụng dữ dội đến mức nghẹt thở, toát mồ hôi hoặc choáng ngất. Bệnh thường bột phát sau khoảng 1-2 giờ tham dự những bữa tiệc thịnh soạn, nhiều >dinh dưỡng, uống nhiều rượu bia…
Biểu hiện đau này gần giống đau bụng cấp trong bệnh lý dạ dày, tá tràng nên không ít người tìm thuốc trị đau dạ dày uống tạm. Thậm chí có những trường hợp sau buổi tiệc tùng, bị nôn, đi ngoài, nhiều người cứ ngỡ do ngộ độc thức ăn, chủ quan không đi khám ngay nên đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng", GS Bình chia sẻ.
Tuy nhiên cũng có 1 số bệnh nhân biểu hiện cấp, đang uống rượu tất niên bỗng thấy khó thở, vã mồ hôi, da tái xanh, bụng đau dữ dội như dao đâm rồi gục xuống tại bàn.
Theo GS Bình, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, điều trị tốn kém như viêm tụy cấp, nhiều bệnh ung thư, viêm loét dạ dày, các bệnh về thần kinh... Do đó, người dân nên hạn chế tối đa việc uống nhiều rượu bia để bảo vệ >sức khỏe, tính mạng của bản thân.
Cùng quan điểm, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, cứ "đến hẹn lại lên", vào các dịp Noel, Tết Dương lịch rồi Tết Âm lịch là các ca ngộ độc rượu cấp tính, ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp lại tăng lên.
Lý do vì đây là thời điểm mọi người tụ tập, rủ nhau liên hoan cuối năm, tổng kết cơ quan, đoàn, nhóm, hội hoặc rủ nhau uống rượu cho... ấm.
Bác sĩ Nguyên cho biết, tình trạng lúc nhập viện của các bệnh nhân cũng rất khác nhau: Có người chỉ ở mức độ nhẹ, say xỉn, nôn mửa là chính. Tuy nhiên có khá nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng như hôn mê, tụt huyết áp cùng các tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, hạ đường máu, tụt huyết áp kéo dài.
"Rất mong người dân có vui đến mấy cũng uống rượu hạn chế và nếu có uống thì phải lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ để hạn chế tối đa ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.