Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM lo ngại tình trạng F0 tự mua thuốc theo đơn đang lưu truyền trên mạng xã hội có thể là nguyên nhân khiến bệnh nặng và nguy kịch hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM bày tỏ sự lo ngại khi rất nhiều người tự ý sử dụng đơn thuốc trị Covid-19 được lưu truyền trên mạng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
“Rất nhiều người vừa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, liền lấy một đơn trên mạng, mua ngay về uống. Điều này rất nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phân tích, trong y khoa nói chung, mỗi loại thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định với từng người, từng cơ địa, từng thời điểm bệnh. Do đó, không có toa thuốc nào phù hợp với tất cả, Covid-19 cũng như vậy.
Theo bác sĩ Châu, giai đoạn 3 - 5 ngày đầu mắc Covid-19, cơ thể đang đề kháng ngăn chặn sự nhân lên của virus. Người bệnh ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc điều trị triệu chứng, nhóm bồi bổ cơ thể (vitamin, đông dược) và thuốc kháng virus.
“Nếu F0 sử dụng thuốc kháng virus giai đoạn này sẽ ngăn chặn được sự nhân lên của virus. Từ đó, sẽ giảm được triệu chứng, ngăn bệnh diễn tiến nặng”, bác sĩ Châu chia sẻ.
Điều đặc biệt lưu ý, trong giai đoạn này, người bệnh tuyệt đối không được dùng thuốc kháng viêm. Thuốc kháng viêm (corticoid) là thuốc gây ức chế phản ứng viêm, giảm hệ thống miễn dịch, khiến cho virus phát triển mạnh hơn trong cơ thể. Uống thuốc kháng viêm lúc này là gây hại cho F0.
Kể cả khi vừa uống thuốc kháng viêm, vừa uống thuốc kháng virus cũng không có tác dụng. Bên cạnh đó, thuốc kháng viêm có các tác dụng phụ, gây xuất huyết tiêu hóa với bệnh nhân mắc bệnh dạ dày, tá tràng... Thuốc kháng đông cũng không có giá trị vì người bệnh chưa có rối loạn đông máu ở giai đoạn này.
Thuốc kháng viêm, kháng đông chỉ sử dụng khi chuyển sang giai đoạn 2, thường vào ngày thứ 7 trở đi.
Khi F0 suy hô hấp, Sp02 giảm thấp, tổn thương phổi, bác sĩ sẽ xem xét và cho F0 dùng thuốc kháng viêm, kháng đông nếu không chống chỉ định. Bệnh nhân phải được theo dõi sát sau đó, đặc biệt là nguy cơ xuất huyết dữ dội, đe dọa tính mạng của thuốc kháng đông với một số đối tượng.
Người mắc Covid-19 có thể chuyển nặng vì dùng thuốc sai, không theo chỉ định của bác sĩ (Ảnh minh họa).
Ngược lại, ở giai đoạn này thuốc kháng virus không còn hiệu quả vì virus đã nhân lên, phát triển, gây biến chứng trong cơ thể. Thuốc kháng virus truyền đường tĩnh mạch có thể hiệu quả hơn đường uống như Molnupiravir.
Phó giám đốc Sở Y tế TP cũng cảnh báo tình trạng lạm dụng kháng sinh đang tái diễn, trong các toa thuốc này.
Ông cũng cho biết, nhiễm Covid-19 là nhiễm virus, không phải nhiễm vi trùng. Việc uống kháng sinh ở giai đoạn đầu hoàn toàn không cần thiết và gây hại cho F0. Kháng sinh có tác dụng phụ, gây dị ứng, tiêu chảy. Nguy hại cao hơn là tình trạng kháng thuốc, kháng sinh sẽ không còn tác dụng.
Hiện nay, thuốc kháng viêm kháng đông, thuốc triệu chứng… không khan hiếm do đó người bệnh không cần thiết phải tích trữ. Tuy nhiên, mỗi đơn thuốc phải sử dụng đúng thời điểm, đúng đối tượng. Đó là lý do có những toa rất hữu hiệu với người này nhưng vô hiệu với người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Bác sĩ Châu khuyến cáo, nếu F0 đã tiêm đủ vắc xin, không có bệnh nền, thể trạng khỏe mạnh, Covid-19 sẽ có triệu chứng tương tự cảm lạnh và thường khỏi sau 1 tuần. Hiện tượng mất khứu giác, vị giác không gây nguy hại cho F0.
“Người bệnh cần tự theo dõi >sức khỏe, đo Sp02 thường xuyên và liên hệ ngay với bác sĩ khi có bất thường”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.