Một người đàn ông lớn tuổi đã tìm đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thăm khám do đi tiểu ra máu. Ông được chuẩn đoán có khối bướu ở thận đã lan gần vào tim nguy hiểm tính mạng.
Dẫn nguồn tin từ VietNamNet, bệnh nhân là ông P.H.P (64 tuổi). Sau khoảng 3 tuần đi >tiểu ra máu đỏ tươi và máu cục, ông P. đến khám tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).
Kết quả cho thấy ông bị> ung thư thận trái với khối u có kích thước 68x49mm đã xâm lấn mô mỡ xung quanh. Chồi bướu ăn lan vào tĩnh mạch chủ, tiến sát tâm nhĩ phải. Phẫu thuật là cách duy nhất để cứu tính mạng người bệnh trước khi chồi bướu xâm lấn vào tim hoặc thuyên tắc động mạch phổi.
Đáng ngại, người bệnh có bệnh lý nền phức tạp vì xơ vữa và hẹp mạch vành. Qua hội chẩn với các chuyên gia tim mạch, bác sĩ đánh giá nguy cơ nhồi máu cơ tim của người bệnh trong và sau phẫu thuật khoảng 80%, nguy cơ tử vong lên đến 90%.
Hội đồng khoa học của Bệnh viện Bình Dân được triệu tập và lên kế hoạch rất chi tiết cho cuộc mổ. Ca phẫu thuật chỉ có 10-20% cơ hội cứu được người bệnh và phải kiểm soát cùng lúc nhiều vấn đề bệnh lý phức tạp.
Ngày 19/5, bệnh nhân được phẫu thuật bằng kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn. Nhóm bác sĩ niệu, gan mật, mạch máu cùng phối hợp nhịp nhàng, tranh thủ từng giây phút trên bàn mổ. Phẫu thuật viên mở tĩnh mạch chủ lấy chồi bướu dài hơn 10 cm từ nhĩ xuống thận trái. Sau đó, ê-kíp tiết niệu cắt thận trái, khâu tĩnh mạch chủ.
Hậu phẫu ngày đầu tiên, người bệnh đã được rút nội khí quản, tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn đều ổn định. Sau 7 ngày, bệnh nhân được xuất viện.
Theo nguồn tin ghi nhận trước đó từ báo Công An TP.HCM, tương tự trường hợp trên, bà Trương Thị H. (54 tuổi, chỉ có một thận phải), thận trái của bà đã cắt cách đây 15 năm do sỏi thận gây viêm mủ thận. Bà H. cũng tình cờ phát hiện bướu thận phải 4cm khi khám >sức khỏe tổng quát. Người bệnh rất lo lắng sợ rằng phải cắt bỏ trái thận còn lại duy nhất. Tuy nhiên, khi đến khám và điều trị tại khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ đã tiến hành cắt bướu thận, giữ lại thận phải cho người bệnh.
TS BS. Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Trong những trường hợp người bệnh chỉ có 1 thận duy nhất, thận còn lại bị bệnh sỏi, bị dị tật bẩm sinh, hoặc thận còn lại suy giảm chức năng thì việc phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận là chỉ định tuyệt đối”.
Theo TS BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y dược TP.HCM, đối với phẫu thuật cắt bướu thận giữ lại thận, phẫu thuật nội soi có ưu thế tuyệt đối so với mổ hở vì không có đường cắt thành bụng nên người bệnh mau chóng hồi phục sức khoẻ sau mổ.
Ngoài ra, khi thực hiện phẫu thuật nội soi, với sự phóng đại của kính soi, khả năng bảo tồn nhu mô thận được tăng cường tối đa, thao tác cắt bướu nhẹ nhàng tinh tế nên kết quả của phẫu thuật rất tốt. Người bệnh có thể xuất viện sau 3 – 4 ngày nằm viện, không cần hóa trị hay xạ trị bổ sung.
Dấu hiệu> nhận biết ung thư thận:
Đa số ung thư thận thường gặp ở độ tuổi 50 – 70. Ung thư thận ở giai đoạn sớm khi kích thước bướu còn dưới 7cm, thường không có triệu chứng điển hình. Ở giai đoạn muộn khoảng 30% người bệnh có các triệu chứng đau bụng, tiểu máu, thăm khám thấy có khối u bụng.
Giai đoạn trước năm 2000 - 2005, khi có bướu thận, phương pháp điều trị kinh điển là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận. Sau đó, từ nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới, các bác sĩ Niệu khoa nhận thấy việc cắt bỏ toàn bộ thận khi bướu thận kích thước dưới 7cm là không cần thiết vì 2 lý do: Thứ nhất là không thay đổi tỷ lệ tái phát so với việc chỉ cắt bỏ bướu giữ lại thận. Thứ hai là những người chỉ có 1 thận dễ bị suy thận mạn hơn những người vẫn còn 2 thận.
Chính vì vậy, từ sau 2005, đối với bướu thận kích thước dưới 7cm, điều trị hàng đầu là phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận. Phẫu thuật có thể thực hiện qua mổ hở hoặc qua phẫu thuật nội soi.