Người phụ nữ 64 tuổi ở Hà Nội bị tiêu chảy 10 năm không chữa khỏi, cơ thể dần trở nên ốm yếu, suy kiệt, kết quả xét nghiệm ra mới biết đã bị nhiễm giun đũa chó mèo.
Ngày 8/5, dẫn nguồn tin từ VNExpress, tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện thường trực Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, thường xuyên nôn ói, tiêu chảy. Trên cơ thể người bệnh thi thoảng có những vết ngoằn ngoèo giống giun bò dưới da.
Gia đình cho biết người phụ nữ làm nông nghiệp, gia đình và hàng xóm nuôi nhiều chó mèo. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện bà >nhiễm giun đũa chó mèo ký sinh trong đường tiêu hóa, là nguyên nhân gây tiêu chảy nhiều năm.
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc điều trị đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng, hiện >sức khỏe ổn định. Bác sĩ nhận định trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy 10 năm là khá lâu, gây tổn thương các cơ quan, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM, đây là một bệnh nhiễm theo đường tiêu hóa do tình trạng giữ gìn vệ sinh ăn uống tại nhiều hộ gia đình chưa được tốt, người bệnh đã ăn phải trứng giun đũa chó vương vãi trong môi trường lẫn vào thức ăn, nước uống.
Nguyên nhân lây bệnh còn đến từ việc nhiều người dân quá gần gũi thân mật với con vật, thường xuyên bế ẵm, vuốt ve, cho chó ăn cùng bữa cơm hàng ngày, thậm chí là ôm chó ngủ. Trong khi đó, chúng ta thường quên rằng loài chó cũng mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người.
Chia sẻ về vấn đề trên, Bác sĩ Lương Trường Sơn, Nguyên Phó viện trưởng Viện sốt rét - ký sinh trùng TP.HCM cho biết, bệnh giun đũa chó và cả ở mèo khá phổ biến và tác nhân gây ra bệnh là do ký sinh trùng Toxocara canis (từ chó) hay Toxocara cati (từ mèo).
Chó mèo thải ký sinh trùng dạng trứng qua phân ra ngoài môi trường, từ đó lây nhiễm cho nguồn thực phẩm. Con người lây nhiễm trứng hoặc ấu trùng chủ yếu thông qua đường tiêu hóa hoặc qua da. Khi vào ruột, trứng ký sinh trùng sẽ nở thành ấu trùng, chui qua thành ruột non đi theo máu di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác nhau, như gan, phổi, tim, mắt, não, da và gây ra bệnh, nếu sức đề kháng không tốt.
Theo đó, một số triệu chứng có thể gặp như sau: ngứa, nổi mẩn, mề đay; đau đầu; sốt nhẹ; chán ăn, ăn ít; sút cân – gầy yếu; tiêu chảy; buồn nôn; khó thở; viêm phổi; giảm thị lực mắt; đau ở vùng gan, lách to; nổi hạch… Bệnh giun đũa chó mèo cũng có thể gây ra tình trạng ngứa ở da kéo dài nếu không được điều trị dứt điểm.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ chơi ở những nơi có phân chó mèo, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín uống sôi. Ngoài ra, cần phải tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.