Dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình còn gọi xạ đen là cây ung thư, được xem là loài dược liệu quý, sự thật có như lời đồn đại?
Cây xạ đen có trị được ung thư?
Thông tin trên Báo Thanh Niên cho hay, các báo cáo về dược lý đã chứng minh rằng các cao chiết và hợp chất được phân lập từ các loài xạ đen thuộc chi celastrus cho thấy tác dụng gây độc mạnh trên một số dòng ung thư trong thử nghiệm ở phòng thí nghiệm. Trong đó, một số hợp chất quan trọng như celastrol, maytenfolon A và celasdin B đã được phân lập từ >cây xạ đen là có tác dụng tiềm năng nhất.
Mặc dù các loài xạ đen thuộc chi Celastrus được biết đến rộng rãi như là dược liệu hiệu quả trong điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh về gan nhưng đánh giá về độc tính và độ an toàn của chúng vẫn chưa đầy đủ. Do đó, các nghiên cứu độc tính cấp tính cần được tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn để thiết lập giới hạn độc tính cũng như liều lượng sử dụng của chúng.
Độc tính từ một số bộ phận của cây xạ đen chưa được báo cáo đầy đủ, do đó, cần phải chú ý liều lượng khi sử dụng. Thạc sĩ, dược sĩ Trần Văn Chện, Bộ môn Dược học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cho đến nay chưa có những nghiên cứu thực hiện trên lâm sàng, do đó cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá độ an toàn của cao chiết xạ đen đối với cơ thể con người trước khi sử dụng.
Bài đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam cũng cho biết, một số hóa chất thực vật trong cây xạ đen có tác dụng tốt cho >sức khỏe con người. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có bằng chứng đầy đủ về tác dụng của xạ đen trên người bệnh ung thư. Theo PGS.TS.BS. Lâm Vĩnh Niên - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ thêm trên Báo Phụ Nữ Việt Nam: "Nếu xét về mặt điều trị, xạ đen cũng như nhiều lại thực phẩm khác, chưa có thông tin hiệu quả, bằng chứng chưa rõ ràng. Do vậy, xạ đen không được xem là một cách thức để điều trị ung thư hay diệt sạch khối u như lời đồn thổi".
Tuy nhiên, với những hóa chất thực vật có lợi trong xạ đen, có thể dùng xạ đen để hỗ trợ sức khoẻ. Đối với những trường hợp mắc ung thư thì cần đến cơ sở y tế để được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Lương y Bùi Đắc Sáng cũng chia sẻ, trong Đông y, cây xạ đen là một trong những vị thuốc giúp hỗ trợ giảm đau, hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý về gan và tăng sức đề kháng rất tốt.
Trong Đông y, cây xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng hữu hiệu trong hỗ trợ điều trị mụn nhọt, lở ngứa, hỗ trợ giải nhiệt cơ thể, loại bỏ các độc tố gây ảnh hưởng tới cơ thể, điều hòa hoạt huyết, giảm đau, an thần.
Nhầm lẫn xạ đen châu Âu và xạ đen Hòa Bình
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, loại xạ đen có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa ung thư được nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam là loài thực vật thuộc họ Dây gối (Celastraceae), còn có các tên gọi là Thanh giang đằng, xạ đen châu Âu, tên khoa học là Celastrus hindsii. Đây là loài xạ đen có chứa 3 hoạt chất: Flavonoid; Quinon và Saponi Triterpenoid. Đó là những hoạt chất hiếm, có tác dụng chống oxy hóa do gốc tự do gây nên, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, hóa lỏng để đào thải tế bào ung thư ra khỏi cơ thể và ức chế sự phát triển, di căn của tế bào ung thư ác tính.
Xạ đen Hòa Bình có tên khoa học là Ehretia asperula, không phải là cây xạ đen châu Âu Celastrus hindsii. Điều đáng nói là đã có rất nhiều người nhầm lẫn hai loài này. Hiện chưa có công trình khoa học nào trên thế giới cũng như trong nước chứng minh tác dụng chữa ung thư của loài xạ đen Hoà Bình.
Gần đây nhất, nghiên cứu tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa của lá xạ đen (Celastrs hindsii Benth et Hook) của tác giả Bùi Thị Thanh Duyên, Đặng Kim Thu, Bùi Thanh Tùng, khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Vũ Mạnh Hùng, Học viện Quân y được công bố vào tháng 3/2020.
Theo đó, cây xạ đen được biết đến trong dân gian là một dược liệu có tác dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư.Kết quả ức chế tế bào ung thư cho thấy phân đoạn EtOAc có tác dụng gây độc tế bào ung thư gan, phổi mạnh. Việc cây xạ đen thật với tên gọi Celastrus Hindsii Benth (xạ đen châu Âu) lại bị đánh đồng với loài xạ đen Hòa Bình khiến không ít người bệnh bị “tiền mất, tật mang”. Để tránh nhầm lẫn, người dân nên tìm kiếm các dược liệu theo tên danh pháp khoa học – tên duy nhất của cây được giới khoa học đặt tên và đã nghiên cứu công dụng như xạ đen chuẩn – Celastrus hindsii. Một số trang tra cứu thông tin dược liệu uy tín đã được kiểm chứng có thể tham khảo như: https://tracuuduoclieu.vn/, https://nlv.gov.vn/.
Lưu ý khi sử dụng xạ đen
Theo thông tin từ Báo Dân tộc, các lưu ý sử dụng xạ đen như sau:
Phụ nữ có thai, cho con bú tuyệt đối không được sử dụng cây xạ đen bởi điều này ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe của trẻ.
Trong quá trình sử dụng không được ăn rau muống vì điều này làm giảm tác dụng của dược liệu.
Trong quá trình sử dụng cây xạ đen không nên uống nhiều rượu, bia vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe còn giảm tác dụng của dược liệu, gây khó khăn cho việc điều trị.
Không sử dụng cho trẻ em dưới 10 tuổi, vì ở độ tuổi này hệ tiêu hóa chưa ổn định sẽ ảnh hướng đến sức khỏe.
Cây xạ đen chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị cho các bệnh ung thư ở giai đoạn đầu, đối với những bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối tuyệt đối không được sử dụng cây xạ đen là phương pháp chính để chữa bệnh triệt để mà phải tuân thủ các phương pháp điều trị bằng y học như hóa, xạ trị, phẫu thuật, tránh tình trạng mất thời gian vàng trong điều trị ảnh hưởng đến tính mạng./.