Theo chuyên gia, tỷ lệ người mất ngủ chiếm tới 1/3 dân số. Số người gặp triệu chứng mất ngủ đang có xu hướng tăng lên do rất nhiều nguyên nhân.
Mất ngủ tác động tới toàn bộ cơ thể
BSCK II Nguyễn Đình Tuấn – Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Medlatec) cho biết, trong quá trình thăm khám bác sĩ nhận thấy số người mất ngủ tới khám tăng lên qua các năm. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, số người bị mất ngủ có xu hướng tăng lên.
Triệu chứng mất ngủ có thể là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh lý rối loạn tâm thần, ví dụ như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu. Theo các nghiên cứu, người mất ngủ kéo dài có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn gấp 3-5 lần người bình thường.
"Mất ngủ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và có thể gây giảm tập trung chú ý, tăng nguy cơ tai nạn giao thông – tai nạn lao động. Mất ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp. Người có giấc ngủ chỉ 6 tiếng/ngày còn tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Ngoài ra, mất ngủ còn làm suy giảm trí nhớ, khiến da kém sáng, miễn dịch suy giảm", bác sĩ Tuấn nói.
Thói quen xấu ảnh hưởng tới giấc ngủ
Hiện nay, không ít người sử dụng điện thoại trước khi ngủ, đặc biệt với người khó ngủ. Khi sử dụng điện thoại, người khó ngủ hy vọng sẽ mỏi mắt và đi ngủ được ngay. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Có những người sử dụng điện thoại đi vào giấc ngủ được nhưng sau đó lại mất ngủ ngay.
Theo bác sĩ Tuấn, lướt điện thoại để mỏi mắt từ đó ngủ dễ hơn là thói quen vô cùng tai hại, ngoài việc khó vào giấc ngủ thì nó còn để lại nhiều hệ lụy với >sức khỏe.
Do ánh sánh xanh từ thiết bị điện tử có thể dẫn đến mỏi mắt. Đây là triệu chứng thường gặp và là nguyên nhân không thể ngủ ngay được sau khi dùng điện thoại xong. Ánh sáng xanh còn tác động đến đồng tử, làm giảm tần số chớp mắt và đó là nguyên nhân gây nên tình trạng khô mắt.
"Ngoài vấn đề trên, nhiều người thường hay xem phim trên tivi, máy tính thậm chí là xem các bộ phim kinh dị. Điều này không mang lại hiệu quả cho giấc ngủ. Bởi xem xong những bộ phim đó, không chỉ khiến tình trạng mất ngủ trầm trọng, mà nó còn gây ám ảnh bởi những cảnh trong phim. Thực chất, đây là hình thức bạo lực tinh thần, khiến tinh thần bị ám ảnh, khi ngủ không ngon giấc", bác sĩ Tuấn nói.
Bên cạnh đó, người bị mất ngủ không nên tự ý uống các loại thuốc ngủ nếu chưa có chỉ định vì có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, lệ thuộc vào thuốc.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo trước khi ngủ 15 phút, mọi người nên đọc sách. Tuy nhiên, đọc sách cần phải đảm bảo đủ ánh sáng, tư thế ngồi tốt, nên đọc tiểu thuyết, tâm lý học sẽ tốt cho giấc ngủ. Không nên nằm đọc sách sẽ không tốt cho xương khớp, mắt.
Nhiều người cho rằng tập thể dục sát giờ đi ngủ sẽ có một giấc ngủ ngon. Bác sĩ Tuấn cho rằng, tập luyện thể dục luôn tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên vào buổi tối không nên thực hiện ngay sát giờ đi ngủ, càng không nên tập các bài tập nặng.
Rất nhiều người ngày đi làm, tối về tranh thủ đá bóng, đánh cầu, bóng chuyền rồi về tắm rửa và đi ngủ ngay. Điều này là phản khoa học. Vận động căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến cho giấc ngủ không sâu giấc. Ngoài ra tắm ngay sau khi thể dục rồi đi ngủ ngay dễ bị nhiễm lạnh, thậm chí với những người có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp còn dễ dẫn đến nguy cơ tắc mạch máu, đột quỵ.
"Vào buổi tối chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ thả lỏng và nên nghỉ trước khi đi ngủ ít nhất 1 tiếng", bác sĩ Tuấn lưu ý.
Để có một giấc ngủ tốt bác sĩ Tuấn cho biết với mỗi lứa tuổi khác nhau thì nhu cầu giấc ngủ là khác nhau. Khi càng lớn tuổi thì nhu cầu ngủ sẽ ít đi. Với người trưởng thành trên 18 tuổi, nhu cầu giấc ngủ khoảng 7-9 tiếng/ngày. Nên ngủ đủ trong khoảng từ 21-22 giờ và đi ngủ đúng giờ. Giấc ngủ trưa chỉ nên ngủ khoảng 30 phút là đủ.
Bên cạnh đó, trước giờ đi ngủ không sử dụng rượu bia, chất kích thích; Không để bụng quá no hoặc quá đói; Không nên có hoạt động thể lực mạnh vào buổi tối; Phòng ngủ yên tĩnh không có mùi; Chăn gối nên vệ sinh sạch sẽ.