Người dân Nhật Bản đã có thói quen tắm trong rừng (Shinrin-yoku) từ những năm 1980. Chuyên gia nhận định thói quen này có thể đem lại những lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc.
Mỗi ngày, trừ khi điều kiện thời tiết không cho phép, bác sĩ Qing Li, Chủ tịch của Hiệp hội Y học Lâm nghiệp Nhật Bản đều đi đến công viên đầy cây xanh gần Trường Y khoa Nippon ở Tokyo - nơi ông làm việc. Bác sĩ cho biết đó không chỉ là một nơi thú vị để ăn trưa, mà ông còn tin rằng việc dành thời gian ở dưới tán cây là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh tật của tâm trí và cơ thể.
Mỗi tháng một lần, bác sĩ Li cũng sẽ dành ra 3 ngày để đến những khu rừng gần thành phố Tokyo để kết nối với môi trường tự nhiên, giúp giải tỏa tâm trí.
Chuyên gia nói: “Thực hành shinrin-yoku (tắm trong rừng) giúp cơ thể có khả năng chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc ung thư, đột quỵ, loét dạ dày, trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Điều này là do việc tiếp xúc với thiên nhiên giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm huyết áp và hỗ trợ giấc ngủ”.
Người dân Nhật Bản đã có thói quen tắm trong rừng (Shinrin-yoku) từ những năm 1980, họ đã đi dạo trong các khu rừng trong nhiều năm.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health and Preventive Medicine, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nêu ra 6 lợi ích tiềm năng của thói quen tắm rừng. Cụ thể:
1. Phòng chống ung thư.
2. Giúp giảm huyết áp và phòng ngừa bệnh tim.
3. Có thể làm giảm hormone gây căng thẳng như adrenaline, noradrenaline và cortisol, giúp kiểm soát căng thẳng.
4. Có thể làm tăng mức adiponectin và dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS). Adiponectin là một loại hormone đóng vai trò chính trong quá trình trao đổi chất, mức độ adiponectin thấp có liên quan đến bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim và ung thư. DHEAS tham gia vào quá trình sản xuất testosterone và estrogen, đồng thời có tác dụng chống lão hóa, phòng ngừa béo phì và tiểu đường.
5. Có thể cải thiện >sức khỏe tinh thần và ngăn ngừa trầm cảm. Tắm rừng có thể giúp giải tỏa cảm xúc lo lắng, tức giận, mệt mỏi và bối rối.
6. Tăng khả năng tiếp xúc với phytoncides. Hợp chất thực vật phytoncides giải phóng từ cây cối và thực vật, được ví như chất kháng sinh tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch, có thể cải thiện giấc ngủ, tâm trạng, sự tập trung cũng như trí nhớ.
David Yaden, nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ cho biết: “Đã có những nghiên cứu so sánh việc đi bộ trong rừng với việc đi bộ trong môi trường đô thị để kiểm tra tâm trạng, các khía cạnh khác nhau của chứng trầm cảm. Theo đó, đi bộ trong rừng dường như giúp mọi người thoải mái hơn và ít căng thẳng hơn”.
Bác sĩ Li chia sẻ với tờ Observer: “Thói quen tắm rừng giống như một loại ‘thuốc’ phòng ngừa, chứ không phải là một phương pháp điều trị”.
Chia sẻ về cách thực hiện phương pháp tắm rừng, bác sĩ Li cho biết: “Hãy chắc chắn rằng bạn không mang theo điện thoại, máy ảnh hoặc các thiết bị điện tử khác. Bạn sẽ bước đi chậm rãi. Hãy để cơ thể tận hưởng âm thanh, cảnh vật và mùi hương ở không gian thiên nhiên bằng các giác quan”.
Gary Evans, người thành lập Forest Bathing Institute ở Anh, cho biết: “Ngành y tế ngày càng công nhận lợi ích sức khỏe của việc tắm rừng. Các bác sĩ và nhà khoa học cũng bắt đầu thực hiện một số nghiên cứu về tác động của việc tắm rừng với tâm sinh lý".
Việc duy trì thói quen tắm rừng và tăng cường tiếp xúc với cây xanh được gợi ý như là một phương pháp đơn giản, dễ tiếp cận và tiết kiệm chi phí để cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Chuyên gia Li cũng cho biết hiện nay, mọi người thường dành phần lớn thời gian của bản thân ở trong khu vực thành thị, trong nhà, trong công ty. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định mọi người cần kết nối với thế giới tự nhiên, để hít thở những bầu không khí trong lành, tận hưởng những làn gió mát và gặt hái những lợi ích sức khỏe của thói quen tắm trong rừng.
Nguồn: Guardian, Health News