Mắc phải căn bệnh hiếm, dù đã 20 tuổi nhưng cô gái trông giống như bé nhỏ chỉ vài tuổi.

Hương Hương (t/h) 12:37 03/04/2023

Theo đó, cô gái thường bị nhầm là trẻ em dù đã 20 tuổi. Cô được chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp gọi là >bệnh còi xương do thận gây biến dạng xương và khiến cô ngừng phát triển từ khi còn nhỏ. Tình trạng này cũng có thể gây suy thận. Cô phải đối mặt với nhiều hạn chế như không thể đi lại và phải phẫu thuật mở một lỗ ở eo để nước tiểu không tích tụ trong cơ thể và thường quấn tã quanh eo để thấm nước tiểu.

Khi còn là một đứa trẻ, dù đã yêu thích ca hát và nhảy múa nhưng xương của cô ngày càng yếu đi, cô không thể đứng vững, có lần bị ngã và gẫy chân. Chấn thương nặng tới nỗi cô phải ngừng đi lại hoàn toàn.

Cô gái 20 tuổi bị nhầm là trẻ nhỏ. Ảnh: Internet

Theo VietNamNet, bệnh còi xương thường xảy ra do thiếu vitamin D hoặc canxi nhưng cũng có thể do khiếm khuyết di truyền hoặc tình trạng >sức khỏe khác.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, bất kỳ trẻ em nào không nhận đủ vitamin D hoặc canxi đều có thể bị còi xương, nhưng một số nhóm có nguy cơ cao hơn. Ví dụ, bệnh còi xương phổ biến hơn ở trẻ em gốc châu Á, châu Phi và Trung Đông vì da sẫm màu và cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn để có đủ vitamin D.

Trẻ sinh non cũng có nguy cơ bị còi xương. Đôi khi, bệnh phát triển ở trẻ mắc bệnh thận, gan và đường ruột. Những căn bệnh đó có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin và khoáng chất.

Nguồn cung cấp vitamin D chủ đạo là ánh sáng mặt trời - da của bạn tạo ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng. Vitamin D cũng có trong một số thực phẩm như dầu cá, trứng và ngũ cốc ăn sáng tăng cường vi chất.

 Dù đã hơn 20 tuổi nhưng vì chẳng may mắc phải chứng thiếu hormone tăng trưởng nên vóc dáng cô nàng vẫn nhỏ nhắn như học sinh tiểu học. Ảnh: Internet

Tại Bình Định, một 'cô bé hạt tiêu' với nickname Trâm Xíu cũng thường bị nhận nhầm là trẻ nhỏ. Theo đó, dù đã hơn 20 tuổi nhưng vì chẳng may mắc phải chứng >thiếu hormone tăng trưởng nên vóc dáng cô nàng vẫn nhỏ nhắn như học sinh tiểu học. Cô nàng chỉ cao 1m25 và nặng 25 kg, thậm chí Trâm Xíu còn bé hơn cả những đứa trẻ lên 6 lên 7 cùng xóm. Nói về ngoại hình không may của con gái, cô H. (mẹ của Trâm Xíu) tiết lộ, qua tìm hiểu, gia đình được biết Trâm Xíu bị thiếu hormone tăng trưởng, hay gọi nôm na là cô mắc phải “>bệnh lùn”. Được biết, dù được mẹ sinh ra đủ tháng đủ ngày, nhưng khi vừa lọt lòng mẹ Ái Trâm chỉ cân nặng vỏn vẹn 1,5 kg.

Đến khi đủ tuổi đi mẫu giáo, cô nàng còn bị cô giáo không cho vào lớp vì cứ nghĩ chưa đủ tuổi. Mẹ cô nàng phải giải thích và đưa giấy tờ cho cô giáo xem Trâm Xíu mới được nhận vào lớp. Và rồi, trải qua năm tháng, tuy suy nghĩ chín chắn hơn trước nhưng thân hình cô nàng thì vẫn cứ mãi "bé hạt tiêu". Khi lên 7 tuổi, dù đã bước vào lớp 1 nhưng cô nàng vẫn chỉ cao 90 cm và nặng hơn 9 kg. Khi chúng bạn xung quanh ngày một cao lớn còn Trâm Xíu thì vẫn chỉ cao thêm được vài cm và nặng thêm 1 - 2 kg, thậm chí có năm cô nàng còn chẳng cao hay nặng thêm được chút nào.

 

 

Cô nàng thường bị nhận nhầm là trẻ con. Ảnh: Internet

Theo Tuổi Trẻ, thiếu hormone tăng trưởng xảy ra khi tuyến yên không sản xuất đủ hormone tăng trưởng. Thiếu hormone tăng trưởng ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nhiều hơn là người trưởng thành.

Dấu hiệu dễ nhận thấy của tình trạng này là khi trẻ không đạt được cân nặng và chiều cao chuẩn theo tuổi. Thiếu hormone tăng trưởng có thể điều trị được nếu trẻ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến việc trẻ sẽ bị thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa và dẫn đến việc dậy thì muộn.

Trẻ nhỏ bị thiếu hormone tăng trưởng thường sẽ thấp bé hơn so với bạn bè cùng tuổi và thường sẽ có gương mặt trông tròn và non nớt hơn. Trẻ cũng có thể sẽ mũm mĩm và có mỡ quanh vùng bụng, mặc dù tỷ lệ cơ thể của trẻ rất bình thường.

Nếu thiếu hormone tăng trưởng phát triển ở những giai đoạn sau của cuộc đời, ví dụ như sau chấn thương đầu hoặc do khối u, thì triệu chứng chính sẽ là việc dậy thì muộn. Trong một số trường hợp, việc phát triển về tình dục cũng sẽ bị trì hoãn. Từ giữa những năm 1980, hormone tăng trưởng tổng hợp đã được sử dụng trong việc điều trị. Trước đó, các bác sĩ sử dụng các hormone tăng trưởng tự nhiên từ các tử thi để điều trị tình trạng này.

Hormone tăng trưởng có thể được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm, thường là tiêm vào các mô mỡ của cơ thể, ví dụ như ở sau cánh tay, sau đùi hoặc mông. Hiệu quả điều trị cao nhất khi được điều trị bằng biện pháp này hàng ngày. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ vẫn cần phải được điều trị suốt đời. Bác sĩ có thể sẽ giúp bạn xác định xem có cần tiếp tục tiêm hormone tăng trưởng nữa không bằng việc kiểm soát lượng hormone có trong máu.

Hương Hương (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe