Bệnh nhồi máu cơ tim dễ xảy ra khi trời lạnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy thấy người thân có dấu hiệu nào cần nghĩ đến nhồi máu cơ tim?
Hiện, các tỉnh miền Bắc đang trong thời gian không khí lạnh tăng cường, khiến nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch. Mỗi ngày, tại Khoa Tim mạch và Trung tâm tim mạch – điện quang can thiệp, BV ĐK Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó, số lượng này tăng cao trong những ngày gần đây.
Và mới đây nhất, đơn vị này đã tiến hành can thiệp đặt stent cấp cứu thành công cho 2 nam bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam 61 tuổi, vào Phòng khám đa khoa Hùng Vương – Kim Xuyên cấp cứu vì đau ngực đột ngột, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, tăng huyết áp.
Các bác sĩ tiến hành điện tim có ST chênh lên tại các chuyển đạo trước tim. Bệnh nhân được chuyển Trung tâm tim mạch – điện quang can thiệp BV ĐK Hùng Vương cấp cứu. Tại đây bệnh nhân được chụp động mạch vành qua da, kết quả cho thấy hình ảnh hẹp khít đoạn gần LAD. Các bác sĩ tại Trung tâm đã nhanh chóng can thiệp đặt 1 stent tái thông dòng chảy.
Một trường hợp nữa là nam bệnh nhân 66 tuổi vào viện cấp cứu vì đau ngực trái, tiền sử tăng huyết áp. Bác sĩ tiến hành điện tim thấy ST biến đổi vùng trước tim. Chụp động mạch vành qua da có hình ảnh hẹp khít động mạch LAD, tổn thương lan toả, bệnh nhân được can thiệp đặt 2 stent tái thông dòng chảy.
Sau can thiệp cả hai bệnh nhân sức khoẻ ổn định và được chuyển về khoa Tim mạch theo dõi và tiếp tục điều trị.
Người bị nhồi máu cơ tim nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp hay còn gọi là đột quỵ tim, là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch.
>Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như bệnh mạch vành, suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm...
Nguyên nhân khiến bệnh nhồi máu cơ tim gia tăng khi trời lạnh là do, thời tiết lạnh khiến các mạch máu co lại, áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, trong những ngày lạnh mọi người thường ít tập luyện thể dục cũng góp phần làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
9 dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cần đến viện ngay
- Đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức;
- Cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay;
- Khó thở;
- Tim đập nhanh;
- Đổ mồ hôi lạnh;
- Buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày;
- Tê mỏi tay chân;
- Xây xẩm, chóng mặt;
- Ngất xỉu.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyến cáo, những người có bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường cần dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, kiêng rượu, bia, thuốc lá...
Đặc biệt, vào mùa đông lạnh, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim...), đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính (COPD) lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh, hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp. Đồng thời, nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ tim định kỳ, đặc biệt là trước mỗi đợt rét đậm, rét hại để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ tim và can thiệp kịp thời.