Số ca mắc thuỷ đậu ở Hà Nội tăng đột biến - gần 140 lần. Nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu bao gồm cả 'chùm' ca.
Tin y tế
Thông tin từ Báo Công an nhân dân cho hay, tại Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) trong 2 tuần gần đây, khoa có 9 bệnh nhân thủy đậu điều trị, trong đó 8 bệnh nhân sống cùng một địa chỉ, một bệnh nhân ở phường Thanh Nhàn. Theo bệnh nhân Tẩn A Giàng (Hà Giang), đoàn của anh có 30 người, ở cùng một phòng rộng, có giường tầng, sinh hoạt chung.
Cách đây 2 tuần, một người trong phòng xuất hiện mệt mỏi, sốt, sau đó nổi mụn nước. Cùng thời điểm đó, 3 người trong phòng cũng có biểu tương tự, nên tất cả được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám. Sau khi 4 người cùng phòng trọ điều trị khỏi bệnh xuất viện, anh Giàng và 3 người khác cũng có biểu hiện bệnh, đi khám và phải nhập viện. Anh Giàng cho biết, biểu hiện ban đầu của anh là chóng mặt, đau mỏi cổ, khó ngủ, mẩn ngứa và nổi các nốt phỏng. Qua khai thác, hiện tại, một số người sinh sống cùng với những bệnh nhân này đang có triệu chứng tương tự.
Không chỉ tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nhiều cơ sở y tế khác cũng tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu là người lớn. Một sản phụ vừa sinh con 20 ngày mắc thủy đậu rất lo lắng cho biết, ngay khi phát hiện bệnh, chị đã “cách ly” với con, không cho con bú, nhưng không biết có lây cho con hay không.
Theo CDC Hà Nội, ca mắc thuỷ đậu từ đầu năm đến nay tăng gần 140 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, 2 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao là mầm non (26,5%) và tiểu học (38%). Bệnh nhân thuỷ đậu xuất hiện ở 18/20 quận, huyện, nhiều nhất là tại huyện Chương Mỹ với 230 ca, Mê Linh 69 ca, B Vì 60 qua, Nam Từ Liêm 56 ca… Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), virus gây bệnh thuỷ đậu có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra, tổn tại trong không khí. Do vậy, bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch ở trường nầm non và tiểu học, làm bệnh lây lan nhanh.
Chuyên gia khuyến cáo
Theo VOV, nhận định về tình hình dịch thủy đậu đang diễn ra tại một số quận huyện của Hà Nội, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh nhiệt đới – BV Bạch Mai cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, thường bùng phát vào mùa đông - xuân. Hiện nay đang là cuối xuân, nên số ca mắc thủy đậu gia tăng trong thời điểm này không có gì bất thường so với những năm trước. Thông thường đến mùa hè, các ca mắc thủy đậu sẽ giảm đi.
Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Virus gây> bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, nói to hoặc chảy mũi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương của người mắc bệnh.
“Thủy đậu là bệnh lành tính, tức là bệnh sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Với những em bé khỏe mạnh, không có bệnh lý nền thì các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng nếu trẻ không may bị mắc bệnh” – BS Nguyễn Quốc Thái nói.
Cách phòng bệnh
Các chuyên gia cho biết, theo chu kỳ, sau 3-5 năm thuỷ đậu sẽ quay trở lại thành những vụ dịch, vì vậy, những người chưa có miễn dịch chủ động hoặc thụ động nên rất dễ mắc khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và dễ lây thành dịch. Những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ và người lớn có nguy cơ cao (bị suy giảm miễn dịch, đang sử dụng hoá chất, dùng corticoid liều cao) rất dễ biến chứng và rất nặng nề.
- Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ em từ 12 tháng tuổi nên tiêm vaccine thủy đậu và tiêm đủ liều.
Bác sĩ cũng cho biết, tại các nước phát triển, trẻ em thường được khuyến khích tiêm 2 mũi vaccine ngừa thủy đậu, mũi thứ nhất là khi trẻ 1 tuổi và tiêm mũi thứ hai khi được 4 tuổi. Song ở nước ta, việc tiêm phòng thủy đậu cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều người cho rằng thủy đậu là bệnh ngoài da lành tính.
Việc tiêm vaccine ngừa thủy đậu không chỉ giúp trẻ phòng bệnh mà còn giúp phòng tránh được >bệnh zona thần kinh về sau này. Bởi nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu, bệnh có thể khỏi trong vòng 1-2 tuần và không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng virus gây bệnh thủy đậu sẽ không bị đào thải ra khỏi cơ thể mà nằm im trong một thời gian dài. Khi về già hoặc bị suy giảm miễn dịch, virus này sẽ tái hoạt động và gây ra bệnh zona khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm sút.
- Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine thủy đậu, để tránh khi mang thai nhiễm bệnh có thể truyền cho con.
- Người dân đi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, khi có dấu hiệu sốt, nổi nốt phỏng cần đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám để được bác sĩ tư vấn.
- Điều quan trọng nhất khi mắc thuỷ đậu, theo BS Phan Thị Minh Thu, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội là chăm sóc vết phỏng dạ cho trẻ tốt, như cắt móng tay cho con để trẻ ngứa có gãi không gây vỡ nốt phỏng. Nếu nốt phỏng bị bội nhiễm vi khuẩn (hay gặp là tụ cầu và liên cầu) sẽ biến chứng thành viêm mô tế bào, nặng hơn là hoại tử, nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, biến chứng của thủy đậu còn gây tổn thương thần kinh, viêm não, hội chứng gây tổn thương não cấp tính hoặc tổn thương gan.
“Chúng tôi còn quan tâm đến viêm phổi, vì thủy đậu là một trong những nguyên nhân gây ra biến chứng viêm phổi, viêm tuỷ. Đặc biệt, khi con mắc thủy đậu, phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con uống”, BS khuyến cáo.
Chăm sóc và điều trị
- Về việc chăm sóc và điều trị người mắc thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng cho biết, quan niệm kiêng nước, kiêng gió đối với người bệnh thủy đậu là không đúng. Người bệnh cần được tắm rửa, vệ sinh da toàn thân sạch sẽ. Tuyệt đối không dùng kim phá vỡ các nốt phỏng nước mà nên để nguyên và bôi các dung dịch sát khuẩn như xanh methylen hoặc dung dịch tím Castellani…
- Nếu thấy mụn nước bị đục kèm theo sốt thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và đánh giá xem có cần sử dụng kháng sinh để phòng tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn hay không. Nếu bệnh nhân có mụn nước phỏng trong miệng thì nên súc miệng bằng nước muối loãng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Việc bôi các thuốc kháng virus trên các nốt phỏng là không cần thiết và cũng không có tác dụng.
- Phòng ở của người bệnh nên mở cửa để thoáng gió, nhằm giảm nồng độ virus trong không khí. Người bệnh nên đeo khẩu trang thường xuyên để phòng tránh lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình. Các bề mặt, vật dụng mà người bệnh thủy đậu chạm vào như sàn nhà, cầu thang, tay nắm cửa… cần được lau bằng các dung dịch sát khuẩn như cloramin B để khử khuẩn