Sau một ngày làm việc căng thẳng nhiều người thích ngâm mình trong bồn tắm thư giãn, ngược lại có người lại thích tắm nhanh bằng vòi hoa sen để nghỉ ngơi. Đâu mới thực sự là cách tắm tốt cho sức khỏe?
Thói quen> tắm bồn hay tắm dưới vòi hoa sen đều có những lợi ích cho >sức khỏe. Tuy nhiên, 2 hình thức tắm này cũng tồn tại những nhược điểm cần lưu ý.
Một nghiên cứu được thực hiện trên hơn 3.000 người năm 2016 chỉ ra thói quen tắm vòi sen (bằng nước nóng, ấm hoặc lạnh) làm giảm số ngày nghỉ ốm trong năm. Điều này cho thấy, tắm dưới vòi sen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Những tia nước từ vòi sen có tác dụng kích thích huyệt đạo, tăng cường tuần hoàn máu giúp loại bỏ mệt mỏi trong thời gian ngắn, khiến con người cảm thấy được thư giãn tốt hơn. Ngoài ra, việc gội đầu bằng vòi hoa sen còn tạo sự kích thích trên da đầu, giúp giảm những cơn đau đầu do stress gây ra.
Việc đứng dưới vòi sen không chỉ giúp cơ thể sạch sẽ mà hơi nước nóng sẽ làm thông thoáng mũi, thông xoang. Đặc biệt, với những người bị viêm xoang, việc hít hơi nước ấm có thể giúp duy trì các nhu động cho nhung mao niêm mạc xoang, khiến chất nhầy được lưu thông làm thoáng các xoang.
Ngoài ra, dưới tác động của lực, nước chảy với tốc độ cao, phân tử nước bị tách ra rồi sản sinh ra ion âm. Ion âm có lợi cho con người, loại bỏ bệnh tật, tăng cường sức khỏe. Bởi vậy, vòi sen được coi là “máy tạo ion âm tự nhiên”.
Việc >tắm vòi hoa sen khiến cơ thể tiếp xúc với nước ít hơn, do đó giảm tình trạng mất lớp dầu trên da, nguyên nhân gây khô da. Vòi hoa sen khiến nước hòa trộn hiệu quả với xà phòng để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và tế bào da chết, ngăn ngừa các vấn đề về da như mụn trứng cá, bệnh chàm và bệnh vảy nến, giúp giữ cho làn da ngậm nước, khỏe mạnh và tươi sáng.
Tuy nhiên, khi tắm với vòi hoa sen không nên để nước quá nóng sẽ làm da chảy nhão, mất đi độ săn cùng các thành phần giữ ẩm tự nhiên. Thay vào đó, nên dùng xen kẽ giữa nước ấm và nước mát trong quá trình tắm giúp lỗ chân lông trên da được se khít, da săn chắc hơn.
Việc tắm bồn thường xuyên làm giảm căng thẳng và mệt mỏi. Trạng thái nghỉ ngơi trong bồn tắm có thể làm dịu thần kinh và xoa dịu tâm trạng sau một ngày căng thẳng..
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người ngâm mình trong nước ấm hàng ngày ít mệt mỏi, căng thẳng và trầm cảm hơn những người chỉ tắm bằng vòi sen. Ngoài ra, việc ngâm bồn làm tăng lưu lượng máu và khuyến khích quá trình trao đổi chất để xử lý chất thải.
Một trong những lợi ích của việc tắm bồn là chúng ta có thể cho thêm các thành phần có lợi vào nước như muối ngâm giảm đau, mật ong để giảm mẩn đỏ, kích ứng do bệnh chàm, giảm cháy nắng.
Theo TS Sonpal, tắm bồn cũng làm giảm cơn đau do bệnh trĩ, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và tẩy tế bào chết.
Những người thường xuyên tắm nước ấm như một thói quen chăm sóc sức khỏe thường xuyên của họ có thể có sức khỏe tim mạch tốt. Tiến sĩ Adolph Hutter, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard (Mỹ) cho biết nhiệt độ cao của bồn tắm nước nóng khiến các mạch máu giãn ra, làm giảm huyết áp.
Tắm bồn có thể giúp massage cơ thể một cách tự nhiên. Vì sức nổi, trọng lượng của bản thân sẽ giảm xuống, từ đó giúp giảm căng cơ, giảm áp lực lên xương, loại bỏ mệt mỏi. Ngoài ra, khi ngâm mình trong nước nóng, nhiệt độ cơ thể tăng dẫn đến đổ nhiều mồ hôi và thúc đẩy lưu thông máu.
Theo BS nội khoa Niket Sonpal (New York, Mỹ), cả tắm vòi sen và tắm bồn đều có một số ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, việc quyết định chọn cách này hay cách kia tùy thuộc vào mức độ ưu tiên của bạn.
Phát ngôn viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ Lauren Ploch cho biết, mặc dù cả hai đều có thể giúp làm sạch cơ thể nhưng việc ngâm bồn tắm có thể gây khô da. Cho nên, tắm vòi tốt cho da hơn tắm bồn. Tuy nhiên, nếu muốn điều trị và thư giãn các cơ, việc tắm bồn là lựa chọn tốt hơn.
Về mặt vệ sinh, hai hình thức tắm đều ẩn chứa nguy cơ. Các bề mặt bồn tắm đều có lớp màng vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không đánh rửa bồn thật kỹ bằng bàn chải lông cứng trước khi ngâm mình. Còn ở vòi sen, nguy cơ nhiễm khuẩn tập trung ở phần dưới vòi.
(Theo Healthy)