2 bệnh nhân sức khỏe ổn định hơn, do vậy được chuyển về bệnh viện địa phương (có đủ năng lực điều trị giai đoạn còn lại), nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm và thuận tiện cho việc chăm sóc của gia đình.
Theo thông tin từ Báo Dân Việt, ngày 9/6, TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau một thời gian được chăm sóc tích cực, chiều hôm qua 8/6, hai bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đã được hỗ trợ chuyển viện về Bệnh viện đa khoa Hậu Giang để tiếp tục trị liệu.
Hiện 2 bệnh nhân đã bắt đầu bước vào giai đoạn nuôi dưỡng nâng cao, thể trạng và tập vận động thành bụng. Cả 2 tỉnh táo, tiếp xúc được.
Người anh đã thực hiện được một số y lệnh đơn giản, khả năng tự thở vẫn hạn chế. Đây là bệnh nhân có sức cơ khá hơn khi nhập viện, nhưng diễn tiến xấu dần, sức cơ yếu, cơ hô hấp yếu.
Người em là bệnh nhân nặng hơn, đến nay tỉnh táo, gọi biết, gật đầu nhưng chưa thực hiện được y lệnh hay vận động đơn giản. Tuy nhiên, do hiện tại 2 bệnh nhân vẫn đang thở máy kéo dài, quá trình này cần tập luyện có thể từ 2 tháng trở lên. Hiện nay, sinh hiệu hai bệnh nhân đều ổn định.
Vì vậy, nhằm dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc của gia đình, 2 bệnh nhân đã được chuyển viện về bệnh viện địa phương (có đủ năng lực điều trị giai đoạn còn lại) để tiếp tục điều trị.
Dẫn tin từ Báo Sài Gòn Giải Phóng, theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh của 2 bệnh nhân, Phòng Công tác xã hội đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho 2 bệnh nhân 130 triệu đồng. Với tổng kinh phí điều trị hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ đi phần kinh phí được thanh toán bảo hiểm, số tiền 130 triệu đồng từ tài trợ của mạnh thường quân đã được sử dụng để chi trả các chi phí ngoài danh mục bảo hiểm.
Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM tiếp nhận 6 ca bệnh >ngộ độc botulinum do ăn bánh mì chả lụa, mắm. Có 3 bệnh nhân được sử dụng thuốc giải, tình hình >sức khỏe đã được cải thiện; 1 bệnh nhân tử vong; 2 bệnh nhân (là anh em) do quá thời gian vàng sử dụng thuốc giải, sau thời gian dài điều trị đã chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục trị liệu.