Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao. Người dân cần lưu ý 6 triệu chứng bệnh trở nặng để đến viện kịp thời.

Q.A (t/h) 06:31 21/12/2022

Hơn 1.100 ca mắc sốt xuất huyết trong một tuần

Hiện, thời tiết của Hà Nội đã chuyển sang mùa lạnh với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh >sốt xuất huyết phát triển, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ 11-16/12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 11% so với tuần trước (1.309 ca). Bệnh nhân tập trung đông tại một số quận, huyện như: Hà Đông (176), Đống Đa (77), Phú Xuyên (67), Chương Mỹ (66), Hoàng Mai (66), Thạch Thất (64)...

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã giảm so với tuần trước, tuy nhiên số tử vong không giảm. Trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca tử vong ở Đan Phượng và Thường Tín, bằng số tử vong tuần trước và tuần trước nữa.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 18.788 ca mắc, 25 ca tử vong; số mắc tăng gấp 5,6 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (năm ngoái không có tử vong). Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

 

6 triệu chứng sốt xuất huyết trở nặng không thể bỏ qua

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3 - 7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục.

Ngoài ra, người bệnh cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo dưới đây bởi đó có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng.

- Đau bụng dữ dội

- Nôn liên tục

- Chảy máu lợi, chân răng

- Nôn ra máu

- Thở nhanh

- Mệt mỏi, bồn chồn

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này có thể gây ra thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không; Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng.

Cho đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt xuất huyết, do đó, biện pháp> phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày trong nhà.

Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng trong bịch ny lon, hộp cơm, chai lọ, vỏ xe… quanh nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp. Chú ý mắc màn khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.

Theo An An/giadinhmoi.vn