Những ngày gần đây, số mắc COVID-19 mới trên cả nước gia tăng trở lại sau thời gian dài duy trì dưới 30 ca/ngày.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, vào ngày 11/4 có số ca mắc ghi nhận cao nhất từ đầu năm đến nay, gấp trên 10 lần so với ghi nhận trung bình 3 tháng đầu năm.
Từ ngày 8/4, số ca mắc mới (được báo cáo lên hệ thống) đã tăng mạnh lên hơn 100 ca mắc/ngày. Ngày 11/4, con số này tăng vọt lên 184 ca mắc mới, cao nhất từ đầu năm đến nay. Một số bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận ca nhập viện do COVID-19 cũng gia tăng nhanh chóng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 12-4 đang điều trị cho 100 bệnh nhân COVID-19, tăng 25 ca mắc trong 1 ngày (ngày 11-4 là 75 ca), trong đó nhiều bệnh nhân phải thở máy, thở oxy.
Theo thông tin từ VTV News, chia sẻ về nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, sau khi số ca mắc đang tăng nhanh trong những ngày gần đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định:
"Theo tôi, có thể số mắc COVID-19 mới sẽ tăng nhưng không bị bùng phát hay gây quá tải cho hệ thống y tế như đợt dịch trước ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bởi vì đa số các ca mắc nhẹ, trong khi hiểu biết và năng lực phòng chống COVID-19 của chính quyền và người dân đã được nâng lên… Tuy nhiên, vẫn cần phải chú ý bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người già, người mắc bệnh nền, người chưa tiêm vaccine…".
Về giải pháp ứng phó với những diễn biến hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Người dân cần dự phòng tại nơi nguy cơ cao, bằng cách duy trì việc đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn… Đối với ngành Y tế, cũng cần đánh giá nguy cơ dịch, từ đó đáp ứng phù hợp, không để bị bất ngờ, thiếu chủ động.
Còn theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, theo hướng dẫn mới của WHO về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thì cần tiêm nhắc lại 1 mũi nữa sau 6-12 tháng kể từ lần tiêm trước cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm: Người cao tuổi, người lớn với bệnh nền nặng như tiểu đường, bệnh tim, những người có bệnh lý miễn dịch, kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ nữ có thai và cán bộ y tế tuyến đầu. Ngoài ra, người dân cũng nên giữ môi trường sống thông thoáng khí. Trường hợp có triệu chứng của bệnh hô hấp thì cần đeo khẩu trang và tốt nhất thì nên thu xếp ở nhà.
Liên quan đến việc phòng chống dịch, ngày 12/4, trong đợt kiểm tra công tác ứng phó với dịch bệnh tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nơi đang xuất hiện nhiều ca mắc mới, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng khuyến cáo: Những người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản phải tiêm đủ mũi 1, mũi 2. Những ai chưa được bổ sung mũi 3, 4 thì đến các trạm y tế xã, phường để triển khai tiêm.
Hiện nay, công tác tiêm vaccine COVID-19 rất thuận lợi, không cần phải đăng ký tiêm, chỉ cần ra trạm y tế là được tiêm. Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng mắc bệnh cần tự theo dõi, cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng biểu hiện nặng thì cần đến cơ sở y tế điều trị. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống, đeo khẩu trang, khử khuẩn khi đi vào những khu vực điều trị...