Nhiều người vẫn vô tư, không lường trước được hiểm họa cho sức khỏe nên thường xuyên đi ráy tai ở quán cắt tóc, gội đầu.
Theo thông tin ghi nhận từ VTC News, anh Nguyễn Văn Trường, 32 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội đến khám tại Bệnh viện An Việt vì bị ngứa tai, tai chảy dịch. Anh Trường kể mỗi lần ngứa tai anh lại thích gãi gãi thật nhiều cho dễ chịu. Chính điều đó gây xước ống tai khiến tình trạng viêm nhiễm ở ống tai càng tăng. Khi khám, bác sĩ khám nghi ngờ >viêm tai và nấm ống tai.
Anh Trường cho biết mỗi lần đi cắt tóc anh lại yêu cầu thợ cắt tóc lấy ráy tai cho mình. Cảm giác dễ chịu, giảm stress nên anh coi đây là thói quen bình thường. Khi nghe bác sĩ nói đây là nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm tai, anh mới lo lắng.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết vào mùa hè nóng ẩm, số người đến khám về các bệnh lý tai tăng lên trong đó có nấm ống tai, tai ngoài.
Ống tai ngoài có những đặc điểm đặc biệt như thường xuyên bị ẩm ướt, da ống tai mỏng. Trong khi đó, đây lại là nơi dễ bị những tác động gây cọ xát như dụng cụ ngoáy tai, lấy ráy tai bằng kim loại hoặc bông gòn, que tăm hoặc thậm chí que tăm… điều này tạo thuận lợi để vi khuẩn hoặc nấm mọc và phát triển.
PGS An thường xuyên gặp các trường hợp bệnh nhân bị nấm tai, mà thủ phạm là thói quen lấy ráy tai mất vệ sinh, đặc biệt là lấy ráy tai ở trong các tiệm cắt tóc, gội đầu. Bởi dụng cụ ráy tai lấy cho nhiều người, không vệ sinh sạch sẽ.
Dấu hiệu gây viêm ống tai ngoài do nấm ?
Biểu hiện lâm sàng của nấm ống tai ngoài rất đa dạng, có thể bệnh nhân không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ qua nội soi tai. Một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng, bao gồm:
- Ngứa tai;
- Chảy dịch tai: thường có mùi hôi, đục;
- Đau tai: tăng hơn khi kích thích như kéo vành tai hoặc ấn vào nắp bình tai; có thể gây đau khớp thái dương hàm;
- Ù tai: cảm giác đầy tai;
- Giảm thính lực: khi mảng nấm bít tắc ống tai.
Nguyên nhân nhiễm nấm ống tai ngoài ?
ThS.BS.CKI Hồ Văn Hữu, khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết, vi nấm Aspergillus và Candida là 2 tác nhân thường gây bệnh nấm ống tai ngoài. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và có thể bị một hoặc cả 2 bên tai cùng lúc.
Khi có các tác động làm thay đổi môi trường ống tai, có thể dẫn tới nhiễm nấm ống tai ngoài, chẳng hạn:
- Bệnh nhân có nút ráy tai;
- Viêm tai giữa thủng nhĩ mạn tính với triệu chứng chảy dịch tai kéo dài;
- Bệnh nhân sau phẫu thuật có tạo hình thành ống tai;
- Sử dụng thuốc nhỏ tai diệt khuẩn kéo dài;
- Bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ;
- Tổn thương ống tai do chấn thương hoặc thói quen móc ngoáy vệ sinh tai hoặc sử dụng tai nghe, máy trợ thính;
- Người hay chơi các môn thể thao dưới nước;
- Người mắc các bệnh về da có liên quan tới tai ngoài hoặc bệnh lý về nấm ở cơ quan khác;
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch làm thay đổi hệ khuẩn thường trú tại ống tai, tạo cơ hội cho nấm phát triển.