Theo TS.BS Ngô Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV Trung ương Quân đội 108, rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm. Trong đó, rối loạn nhịp nhanh thường gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.
Các vấn đề về rối loạn nhịp tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Với những trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim ngừng đập sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào.
Rối loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm.
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn nhịp tim?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim. Trong đó có nguyên nhân do những bất thường hoặc bệnh lý của tim gây ra như các bệnh lý tim mạch: bệnh cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành…
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến nhịp tim như tuổi tác, người càng cao tuổi nguy cơ càng cao, người mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu, các bệnh lý về tuyến giáp, lạm dụng chất kích thích…
Ngoài ra, rối loạn nhịp tim cũng thường gặp ở những bệnh nhân bị mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm.
Rối loạn nhịp tim gây ra biến chứng nguy hiểm gì?
Suy tim: Khi tim bị loạn nhịp, hiệu quả bơm máu sẽ bị giảm sút. Vì vậy, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ máu ra tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Lâu ngày có thể làm tim suy yếu và dẫn đến suy tim.
Đột quỵ: Máu ứ đọng lại tại buồng tim chính là nguyên nhân hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch, gây đột quỵ tim.
Nhồi máu cơ tim, ngừng tim đột ngột… cũng là những biến chứng nguy hiểm mà người bị rối loạn nhịp tim có thể gặp phải.
Dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim
Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim rất đa dạng với mức độ từ nhẹ đến nặng, có một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện hoặc các biểu hiện khá mơ hồ.
Để phát hiện sớm bệnh rối loạn nhịp tim, có thể dựa vào một số triệu chứng sau:
Ngất xỉu: Triệu chứng này cảnh báo bệnh tim nặng và đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng như ngất xỉu khi đang lái xe, leo cầu thang. Do đó, nếu thấy người thân bỗng nhiên bị ngất thì cần phải đưa đi khám sớm để tìm rõ nguyên nhân, xử trí điều trị bệnh sớm.
Xuất hiện các cơn khó thở, thở ngắn, hồi hộp, lo lắng;
Đánh trống ngực, tim đập mạnh trong lồng ngực kèm theo hụt hẫng;
Có cảm giác tim ngừng đập một vài giây rồi đập mạnh trở lại;
Đau tức ngực, có cảm giác ngực bị đè nén;
Người mệt mỏi, yếu do hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả.
Phòng ngừa và kiểm soát rối loạn nhịp tim bằng cách nào?
Kiểm tra >sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng hoặc ít nhất là 1 năm/1 lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn.
Kiểm soát huyết áp, lượng cholesterol trong cơ thể.
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị tốt các bệnh lý nguy cơ.
Ăn uống khoa học: Ăn ít muối, sử dụng các nhóm thực phẩm tốt cho tim như trái cây, rau, ngũ cốc, cá… Cần hạn chế tối đa các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
Có lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, không thức khuya, loại bỏ các chất kích thích ra khỏi cuộc sống.