Bé trai được các y bác sĩ cứu chữa kịp thời. Thời gian đưa vào bệnh viện, cháu đã mang dấu hiệu tim ngừng đập, phổi ngừng thở và hôn mê sâu vô cùng nguy hiểm.
Mới đây, thông tin vụ việc bé trai 22 tháng tuổi ở> Quảng Nam bị hóc dị vật đã khiến các mẹ hết sức lo lắng. Tình trạng này hoàn toàn dễ dàng xảy ra với các em trong mọi lứa tuổi. Cụ thể, theo thông tin từ Báo VietNamNet cho hay, bé trai đột nhiên có biểu hiện khóc chịu do hóc dị vật là thạch rau câu, người chuyển tím tái toàn thân, bắt đầu vào dấu hiệu hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở. May mắn nạn nhân được cứu sống.
Các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiến hành hồi sức tim phổi kèm lấy dị vật đường thở. Sau khi dị vật ra ngoài, sức khoẻ bé trai ổn định.
Theo đội ngũ bác sĩ, trẻ bị hóc thạch cũng như hóc dị vật nói chung chỉ có thời gian sơ cứu vàng từ 5-10 phút ngay sau tai nạn. Qua khỏi thời gian này, trẻ dễ rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không để trẻ dưới 5 tuổi tự ý ăn thạch rau câu. Người lớn nên bóc thạch và dùng muỗng xúc cho trẻ từng miếng nhỏ, tránh việc bị hóc.
Khi trẻ bị hóc, chúng ta nên làm như thế nào?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, ngay cả khi có sự kiểm soát của người lớn. Trẻ còn nhỏ rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và sẵn sàng bỏ vào miệng tất cả những gì có thể cầm, nắm trong tay. Có thể trẻ ăn uống khi đang khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng, Trẻ ăn thức ăn dễ hóc hay việc nhai và nuốt chưa thuần thục, nhất là với các loại quả có hạt như nhãn, chôm chôm, các loại hạt cứng hay các loại thực phẩm trơn như thạch rau câu, hạt trân châu… đã dẫn đến việc con gặp tình huống nghiêm trọng. Điều này rất cần sự chú ý của người lớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ trên Báo VOV, các ông bố bà mẹ phải biết, khi em bé nghẹt thở, mặt đỏ tía tai, mồm há ra, không thở được, ho sặc sụa, nếu thấy bên cạnh có hạt lạc, đồ chơi hay quả táo cắn dở thì ngay lập tức phải nhanh trí xử lý ngay.
Phải sử dụng liệu pháp, nếu em bé nhỏ, cho em bé cúi thấp người xuống, tựa vào đầu gối và vỗ thật mạnh vào giữa hai bả vai, sau đó dùng cùi tay vỗ mạnh vào lưng giữa hai xương bả vai, vỗ mạnh vài ba cái. (Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng bé, thay vào đó cho bé nằm nghiêng người xuống phía dưới, vỗ lưng 3-5 lần).
Tiếp đó, dùng liệu pháp ôm em bé vào người, lưng áp vào bụng mình, 2 tay của người lớn nắm tay lại với nhau và đặt dưới rốn em bé, từ từ siết mạnh và thúc lên phía ức, cho em bé hơi cúi đầu xuống và thúc mạnh, sẽ tạo một lực để khiến dị vật bật ra ngoài và giúp em bé có thể thở được.
Khi em bé có thể thở được rồi thì mới được phép gọi cấp cứu. Nếu thấy em bé đang nghẹt thở mà gọi cấp cứu rồi chuyển đi thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao”, bác sĩ Nguyễn Trọng An đưa ra lời khuyên.