Bộ quần áo bảo hộ được làm từ vật liệu đặc biệt để bảo vệ người mặc nhưng vô tình ngăn cản quá trình bốc hơi mồ hôi. Nhiều nhân viên y tế mệt lả, thậm chí ngất xỉu sau nhiều giờ mặc đồ bảo hộ làm nhiệm vụ dưới cái nắng nóng bức.
Với một lượng lớn người cần lấy mẫu xét nghiệm, đội ngũ nhân viên y tế phải làm việc liên tục dưới cái nắng 40 độ C hàng giờ liền không ngơi nghỉ cộng thêm các vấn đề về tâm lý như stress, lo âu càng làm tăng quá trình sinh nhiệt bên trong bộ quần áo bảo hộ.
Trong môi trường chống dịch như tại Bắc Giang, Bắc Ninh, nhân viên y tế cần phải làm việc thường xuyên dưới thời tiết nắng nóng, thêm lượng nhiệt bốc hơi từ nền bê tông khiến mặt ai cũng lấm tấm, quần áo ướt sũng mồ hôi dẫn tới nhiều người bị sốc nhiệt, chóng mặt, mất nước, khó thở.
Nhiều nhân viên y tế tại Bắc Ninh chia sẻ, nhiều khi mồ hôi chảy như mưa từ trán xuống mắt cay tê người nhưng vì tuân thủ các quy tắc phòng dịch mà chưa một lần dám đưa tay lên lau. Ngoài ra, các vết hằn trên mặt do đeo khẩu trang kháng khuẩn một thời gian dài chỉ có thể mờ đi sau 3 - 4 tiếng.
Nguyễn Thị Hoài, TTYT huyện Thuận Thành, Bắc Ninh bộc bạch, suốt ngày phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ khiến cơ thể em nhoe nhoét mồ hôi. Nhiều chỗ đau rát kinh khủng do các vết hằn của quần áo thấm nước làm da bị mỏng đi nhưng chưa bao giờ em buông bỏ sự quyết tâm vì đất nước phòng dịch nên mỗi ngày đều phải chịu đựng.
Trả lời phỏng vấn của Doanh nghiệp và Tiếp thị, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng y tế công cộng khẩn cấp cho biết điều cấp bách nhất hiện nay là đảm bảo >sức khỏe của đội ngũ nhân viên y tế.
Với tình trạng thời tiết hiện nay là nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức hơn 40 độ C, nên hạn chế làm việc vào các thời điểm mà nhiệt độ lên quá cao, rút ngắn thời gian làm việc, các nhân viên y tế không nên cố gắng quá sức, khi cơ thể đã đến giới hạn chịu đựng thì phải cần nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.
Theo thông tin từ báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bộ quần áo bảo hộ dùng một lần của nhân viên y tế có khả năng trao đổi nhiệt rất thấp, không khí bên trong và bên ngoài bộ đồ gần như không lưu thông.
Lý giải cho việc trên, ông nói rằng do được may từ loại vải dệt bằng sợi tổng hợp Polypropylene. Thời gian mặc càng lâu thì cảm giác nóng bức càng nhiều, dẫn đến mất nước và gây ra ngất xỉu do sốc nhiệt.
Theo ông Nga, những nhân viên y tế phải thực hiện nhiệm vụ ngoài trời hay trong không gian thoáng không cần thiết lúc nào cùng mặc đồ bảo hộ. Thậm chí, cần phải nghiên cứu ra một chất liệu để người mặc cảm thấy thoải mái hơn, phù hợp với điều kiện làm việc nắng nóng, căng thẳng thần kinh, phù hợp với kích thước cơ thể,...