Một số hoạt động thường ngày tưởng chừng chẳng có lợi ích gì cho sức khỏe nhưng lại có thể giảm tới 35% nguy cơ sa sút trí tuệ, theo một nghiên cứu mới.
Một nghiên cứu mới thực hiện tại Vương quốc Anh đã phát hiện ra một số hoạt động thường ngày tưởng chừng không liên quan nhưng có thể giúp bảo vệ >sức khỏe trí não, HuffPost đưa tin.
Đây là một nghiên cứu lớn được công bố tuần trước trên tạp chí y khoa của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy các hoạt động thể chất và tinh thần - chẳng hạn như làm việc nhà, tập thể dục hoặc đến thăm người thân có thể giúp giảm nguy cơ >sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu kéo dài 11 năm, theo dõi 501.376 người ở Anh tự báo cáo về các hoạt động thể chất và tinh thần của họ. Những thông tin này bao gồm trình độ học vấn, tần suất đến thăm bạn bè, tần suất leo cầu thang, phương tiện đi làm…
Kết quả nghiên cứu cho thấy một số hoạt động có liên quan đến việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Cụ thể, những người thường xuyên tập thể dục có nguy cơ sa sút trí tuệ thấp hơn 35%, những người thường xuyên làm việc nhà có nguy cơ thấp hơn 21% và những người đến thăm gia đình và bạn bè hằng ngày có nguy cơ thấp hơn 15%.
Thực tế, các yếu tố nguy cơ của sa sút trí tuệ cũng bao gồm những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta - như lão hóa và di truyền. Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh rằng có những hành vi mà chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ hoặc trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ, Tiến sĩ Scott Turner, giám đốc chương trình rối loạn trí nhớ tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, Mỹ, nói với HuffPost.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là người tham gia nghiên cứu tự báo cáo các hoạt động thể chất và tinh thần của họ, nên có khả năng một số người quên hoạt động họ đã tham gia hoặc báo cáo không chính xác.
"Cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận những phát hiện của chúng tôi. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy rằng những thay đổi lối sống đơn giản này có thể tốt cho sức khỏe", tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Huan Song thuộc Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu này là một tin tốt. Thực tế là hơn 5 triệu người ở Mỹ đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ - và con số này dự kiến sẽ tăng lên.
Chìa khóa ngăn ngừa sa sút trí tuệ
Cho dù thông qua hoạt động thể chất, hoạt động xã hội hay hoạt động trí óc, việc thường xuyên hoạt động trí não có thể giúp trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh.
Làm việc nhà vừa được coi là hoạt động thể chất và tinh thần, thậm chí đôi khi có thể được coi là tập thể dục. Thăm hỏi người thân và bạn bè là một hoạt động xã hội cũng giúp tinh thần phấn chấn, và hoạt động thể chất cũng có lợi cho tinh thần.
Tiến sĩ Turner nói rằng những người mắc các vấn đề về thị giác hoặc thính giác có thể có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn nếu họ không đeo kính hoặc máy trợ thính. Khi bạn không thể nghe hoặc nhìn, "bạn đang tước đi khả năng tiếp nhận giác quan của não và bạn cần phải giữ cho não được kích thích" để giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ, ông giải thích.
Thường xuyên đến thăm người thân cũng có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. (Ảnh minh họa)
Hoạt động thể chất có lợi ích gấp đôi
Một yếu tố nguy cơ khác của chứng sa sút trí tuệ là bệnh tiểu đường, và có một số lưu ý về lối sống mà bạn có thể tuân theo để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tiến sĩ Turner lưu ý. Các thay đổi này bao gồm tập thể dục, tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng trong suốt cuộc đời.
Vì vậy, tập thể dục không chỉ giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tập thể dục có lợi ích 'kép' trong việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. (Ảnh minh họa)
Không bao giờ là quá muộn
Tiến sĩ Turner nhấn mạnh rằng bất kể bạn ở độ tuổi nào, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thực hiện một số khuyến nghị về lối sống kể trên. Bạn có thể bắt đầu với những hành động đơn giản như hút bụi quanh nhà hoặc đi dạo với hàng xóm.
"Tôi khuyên bạn nên thực hiện càng nhiều thay đổi lối sống càng tốt để tránh và ngăn ngừa sa sút trí tuệ", tiến sĩ nói. "Và tất nhiên, phòng còn hơn chữa".
Đối với những người đã có vấn đề về trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ, những thay đổi lối sống đòi hỏi hoạt động thể chất, xã hội hoặc tinh thần vẫn có lợi. Bạn có thể giúp làm chậm sự tiến triển của chứng sa sút trí tuệ bằng cách giữ cho não được hoạt động thường xuyên. Đây là lý do tại sao giải câu đố là một hoạt động phổ biến cho những người mắc bệnh Alzheimer.
Khi nào cần gặp bác sĩ
"Nếu ai đó phát triển các vấn đề về trí nhớ, thì họ chắc chắn nên đến gặp bác sĩ để được đánh giá", tiến sĩ Turner nói.
Ông nhấn mạnh rằng có một số nguyên nhân gây ra các vấn đề về trí nhớ, ví dụ như ngưng thở khi ngủ và thiếu hụt vitamin B12 – và những điều này hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi nào về hệ thần kinh cũng nên được đánh giá để người bệnh có kế hoạch điều trị thích hợp và kịp thời.
Sa sút trí tuệ là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sa sút trí tuệ là một hội chứng có diễn tiến mạn tính và tiến triển, trong đó có sự suy giảm chức năng nhận thức (tức là khả năng tư duy) so với người bình thường ở cùng độ tuổi.
Hội chứng này ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, khả năng hiểu, tính toán, năng lực học tập, ngôn ngữ và phán đoán. Sự suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm, hoặc đôi khi xảy ra trước đó, với sự suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi xã hội hoặc động lực.
Sa sút trí tuệ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng chủ yếu đến người cao tuổi. Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với chứng sa sút trí tuệ, nhưng hội chứng này không phải là hậu quả tất yếu của lão hóa. Các triệu chứng khởi phát của hội chứng này xuất hiện ở người trước 65 tuổi được gọi là sa sút trí tuệ ở người trẻ, chiếm 9% các trường hợp.