Cơ quan chức năng Pháp vừa phát thông báo thu hồi sản phẩm mì Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này.

Thanh Thủy (TH) 08:39 08/12/2021

Dẫn tin từ Doanh nghiệp và Tiếp thị, sau sự cố Ireland thu hồi một số lô mì ăn liền Hảo Hảo có chứa chất Ethylene Oxide, hiện Pháp cũng yêu cầu thu hồi một số lô >mì Hảo Hảo, Đệ Nhất do Acecook Việt Nam xuất khẩu.

Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, cơ quan chức năng Pháp vừa phát thông báo thu hồi sản phẩm mì ăn liền chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này trước ngày 31/1/2022.

Các lô hàng bị Pháp thông báo thu hồi có hạn sử dụng tới tháng 3/2022, tháng 5/2022, tháng 8/2022 và tháng 9/2022. Nguyên nhân là các sản phẩm trên chứa 2-chloroetanol (2-CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.

Theo Công ty Acecook Việt Nam, doanh nghiệp chủ động đề xuất Pháp thu hồi một số lô sản phẩm này sau sự cố tại Ireland hồi tháng 8. Acecook cũng cho biết các lô hàng này được xuất sang Pháp trước tháng 7/2021, hiện công ty đang cùng các đại lý phân phối tại Pháp thu hồi sản phẩm. 

Ngoài việc chủ động thu hồi sản phẩm, các đại lý cũng thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng và các cơ quan chức năng về các lô sản phẩm trên.

Ảnh minh họa: Internet

Liên quan đến vụ việc trên, báo Lao Động thông tin thêm, đại diện Acecook Việt Nam xác nhận đang cùng các đại lý phân phối tại Pháp thu hồi sản phẩm. "Chúng tôi chủ động thu hồi những sản phẩm này để kiểm tra, chứ không phải cơ quan chức năng tại Pháp thu hồi", đại diện Acecook cho hay. Được biết, các lô này đều được xuất sang Pháp trước tháng 7/2021.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) - cho biết, đối với sản phẩm, hàng hoá xuất xứ Việt Nam khi xuất sang EU, phía bạn đã có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Các Thương vụ cũng hướng dẫn và thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp Việt. 

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, việc sản phẩm có quá hàm lượng các chất cấm không chỉ xảy ra với sản phẩm của doanh nghiệp Việt mà nhiều quốc gia khác cũng mắc phải trường hợp tương tự, kể cả các nước trong EU cũng bị phát hiện thường xuyên. 

Thanh Thủy (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe