Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển phát hiện ra rằng ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ cao đối mặt với bệnh động mạch ngoại biên, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Hương Hương (t/h) 06:20 18/03/2023

Nghiên cứu đã được thực hiện với sự tham gia của 650.000 người trưởng thành, các nhà nghiên cứu đã theo dõi thời gian họ ngủ mỗi đêm và liên kết với tỷ lệ mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên - tình trạng các mạch máu ở chân bị tắc nghẽn - cao hơn.

Tiến sĩ Shuai Yuan, thuộc Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển cho biết: “Ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm là thói quen tốt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên”.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh động mạch ngoại biên góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và >đột quỵ, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc cholesterol cao.

Cụ thể, 25% người mắc bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ bị hẹp động mạch cảnh không triệu chứng cao hơn. Tỷ lệ người mắc bệnh động mạch ngoại biên bị bệnh mạch máu não đồng thời cũng cao gấp 3-4 lần so với người không bị bệnh động mạch ngoại biên. Tỷ lệ đột quỵ ở người mắc bệnh động mạch ngoại biên dao động từ 2-5%.

Ảnh minh họa: Bệnh động mạch ngoại biên góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Giấc ngủ ảnh hưởng tới tim mạch thế nào?

Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm thiếu ngủ và giấc ngủ bị gián đoạn có tác động tiêu cực đến >sức khỏe tim mạch.

Giấc ngủ là thời gian cần thiết để cơ thể phục hồi. Trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm và nhịp thở ổn định. Những thay đổi này làm giảm căng thẳng cho tim, cho phép nó phục hồi sau các căng thẳng xảy ra trong ngày.

Nếu ngủ không đủ giấc, mọi người sẽ không dành đủ thời gian cho các giấc ngủ sâu NREM có lợi cho tim. Vấn đề tương tự có thể ảnh hưởng đến những người có giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn.

Do đó, thiếu ngủ mãn tính có liên quan đến nhiều vấn đề về tim bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, đau tim, béo phì, tiểu đường và đột quỵ.

Giấc ngủ ảnh hưởng tới huyết áp

Trong giấc ngủ bình thường, khỏe mạnh, huyết áp giảm khoảng 10-20%, điều này có lợi cho sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ kém (do thiếu ngủ hay giấc ngủ bị gián đoạn) khiến huyết áp của một người không thể giảm vào ban đêm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng huyết áp tăng cao vào ban đêm có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp vào ban ngày, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.

Ảnh minh họa: Bệnh động mạch ngoại biên góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Giấc ngủ và bệnh tim mạch vành

Bệnh tim mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ trong động mạch, gây xơ vữa động mạch. Điều này làm giảm khả năng nhận đủ máu và oxy của tim. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thiếu ngủ góp phần gây xơ vữa động mạch. Giấc ngủ kém gây viêm mạn tính, góp phần hình thành mảng bám và gây xơ cứng động mạch.

Giấc ngủ và nguy cơ suy tim

Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu để cung cấp cho cơ thể hoạt động bình thường. Một nghiên cứu quan sát trên 400.000 người đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề về giấc ngủ và bệnh suy tim. Theo nghiên cứu, những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị suy tim cao hơn.

Giấc ngủ và nguy cơ đau tim

Đau tim, hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Các cơn đau tim có thể gây tử vong do tổn thương xảy ra khi tim không nhận đủ oxy.

Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ đau tim. Theo một nghiên cứu khác, những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đau tim cao hơn 20%.

Bên cạnh đó, giấc ngủ bị gián đoạn cũng có liên quan đến khả năng bị đau tim. Bởi vì cả nhịp tim và huyết áp có thể tăng đột ngột khi thức dậy, giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên có thể gây căng thẳng cho tim và gây ra cơn đau tim.

Ảnh minh họa: Những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị đau tim cao hơn 20%.

Giấc ngủ và nguy cơ đột quỵ

Đột quỵ là tình trạng dòng máu lên não bị cắt đứt, khiến các tế bào não bị chết do thiếu oxy. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông hoặc mảng bám hình thành trong lòng mạch máu, gây tắc nghẽn mạch máu.

Trong các nghiên cứu, thiếu ngủ có liên quan đến khả năng bị đột quỵ cao hơn. Thiếu ngủ làm tăng huyết áp và huyết áp cao được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Làm gì để có một giấc ngủ ngon?

- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ, kể cả vào cuối tuần.

- Tham gia các hoạt động thể chất trong ngày. Cố gắng không tập thể dục trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

- Tránh xa các thiết bị điện tử trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

- Không ăn hoặc uống trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Đặc biệt, cần tránh uống rượu và ăn thực phẩm giàu chất béo hoặc chứa nhiều đường.

- Giữ nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, đủ tối và đủ yên tĩnh.

Nguồn: The Sun, Sleep Foundation

Theo Mộc Miên/ Tổ quốc