Việc di chuyển ngoài trời trong thời tiết nhiệt độ cao rất dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tình trạng dễ gặp phải nhất đó là sốc nhiệt.
- Nắng nóng đỉnh điểm dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cách bảo vệ da không cháy nắng, tránh ung thư từ lời khuyên của bác sĩ da liễu
- Cảnh báo 3 vấn đề sức khỏe thường gặp khi trời nắng nóng gay gắt
Nắng nóng gay gắt, điểm du lịch vẫn chen chúc dịp nghỉ lễ
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết nhận định: "Thời tiết dịp nghỉ lễ năm nay tương đối đặc biệt. Thống kê trong giai đoạn 10 năm qua, chưa có năm nào cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng xảy ra nắng nóng trong đợt lễ 30/4 - 1/5 như năm nay".
Thời tiết nắng nóng duy trì suốt dịp nghỉ lễ, tuy nhiên vì được nghỉ dài ngày nên nhiều gia đình vẫn lên kế hoạch đi du lịch. Ghi nhận tại một khu du lịch tại huyện Ba Vì, Hà Nội, số lượng các gia đình đến vui chơi rất đông đúc.
Việc di chuyển ngoài trời trong thời tiết nhiệt độ cao rất dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tình trạng dễ gặp phải nhất đó là sốc nhiệt.
Sốc nhiệt nguy hiểm thế nào?
Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.
Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan như tụt huyết áp, thay đổi, phù phổi, viêm phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, hạ đường huyết, tăng uric máu. Rối loạn đông máu, hội chứng đông máu rải rác nội mạch, hôn mê, mất trí nhớ, hoại tử tế bào gan, suy gan…
Trong ngày 29/4 vừa qua, tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã ghi nhận một cụ ông tử vong do sốc nhiệt.
Ra đường ngày nắng nóng, có dấu hiệu này cần cấp cứu kịp thời
Bộ Y tế cảnh báo, nắng nóng kéo dài, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.
Một số đối tượng có nguy cơ cao xảy ra các vấn đề về sức khoẻ mùa nắng nóng như: người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức như người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép...
Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường... cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khoẻ do nắng nóng.
Theo Bộ Y tế, biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.
Cụ thể, mức độ nhẹ như mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.
Mức độ nặng như đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.
Bộ Y tế lưu ý, nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, người dân cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Những việc nên làm để phòng tránh sốc nhiệt
Để phòng nắng nóng, sốc nhiệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC) khuyến cáo mọi người nên thực hiện một số việc sau:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.
- Đặc biệt, thời điểm 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Vì cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.