Bất kỳ ai cũng có thể mắc hoặc lây bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên có một số trường hợp dễ chuyển biến nặng, thậm chí tử vong do bệnh này.

Q.A (t/h) 15:59 08/08/2022

Đối tượng dễ mắc và trở nặng do đậu mùa khỉ

Theo WHO, trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ. Nhóm người này cũng có triệu chứng nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh.

Ngoài ra, cán bộ, nhân viên y tế cũng có nguy cơ cao phơi nhiễm virus gây >bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian dài hơn.

WHO cũng cho rằng, bất cứ ai tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ mắc bệnh cao.

Người từng tiêm >vaccine đậu mùa vẫn có khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, hoạt động tiêm chủng vaccine đậu mùa tạm dừng từ rất lâu kể từ khi bệnh đậu mùa được thanh toán năm 1980.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi đã tiêm vaccine đậu mùa, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.

Trẻ em, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ chuyển biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ

Chia sẻ liên quan đến vấn đề này, ThS.BS Hàn Tiểu Sảo - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, đậu mùa khỉ là loại virus hiếm gặp có họ hàng với đậu mùa, có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết vết thương cũng như qua các vật dụng dùng chung như khăn trải giường và khăn tắm.

Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua một số quá trình từ rát đến nổi mẩn, rồi mụn nước và mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Với phụ nữ mang thai, bệnh có thể dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu...

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Các chuyên gia y tế cho rằng, đậu mùa khỉ có các triệu chứng thông thường bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da.

Bệnh thường bắt đầu trong 1 - 3 ngày khởi sốt; tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô, rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt.

Các nốt phát ban của bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân; những tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhiều triệu chứng của bệnh này có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn bệnh thủy đậu, mụn rộp hoặc giang mai. Do đó việc người dân cần phải đến cơ sở y tế để xác nhận nhiễm bệnh là rất quan trọng.

Tính đến nay đã có gần 16.000 ca được báo cáo mắc bệnh đậu mùa khỉ ở những nước trước đây không hề phát hiện căn bệnh này. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.

 

 

 

Hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trước bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc đậu mùa khỉ tăng nhanh thì nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Theo Thúy Ngà/Gia đình Việt Nam